Tác động lâu dài từ đập Tam Hiệp ở Trung Quốc

24/11/2019 08:00 GMT+7

Chính phủ Trung Quốc đã bỏ ra số tiền lớn để giảm bớt những tác động từ đập Tam Hiệp, nhưng nhiều vấn đề vẫn chưa được giải quyết.

Đập Tam Hiệp được xây trên sông Dương Tử tại thị trấn Tam Đẩu Bình thuộc TP.Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc).
Dự án này được khởi công từ năm 1994 và vận hành đầy đủ từ tháng 7.2012, với vốn đầu tư 200 tỉ nhân dân tệ (gần 660.000 tỉ đồng). Đây là đập thủy điện lớn nhất trên thế giới, với sản lượng điện năm 2018 đạt 100 tỉ kWh, theo China Daily. Dự án bao gồm một đập cao 185 m và một hồ chứa nước dài 660 km, được thiết kế để tạo ra điện và kiểm soát lũ.
Tuy nhiên, cũng theo Hoàn Cầu thời báo, có không ít chỉ trích xung quanh đập Tam Hiệp kể từ khi dự án được khởi công. Từ năm 2011 đến nay, Bắc Kinh đã chi hơn 600 tỉ nhân dân tệ (khoảng 86 tỉ USD) để giảm bớt tác động lâu dài của đập Tam Hiệp đối với những ngôi làng xung quanh và “kiểm soát hiệu quả” môi trường khu vực ngày một xấu đi. Dù vậy, nhiều vấn đề vẫn chưa được giải quyết và chính phủ Trung Quốc đã hứa sẽ chi thêm 600 tỉ nhân dân tệ đến năm 2025, theo Reuters dẫn lời ông Tạ Đức Bổn, thành viên của phái đoàn đại biểu quốc hội Trung Quốc ở TP.Trùng Khánh.

Động đất gia tăng

Bảo vệ sông Dương Tử trở thành việc ưu tiên đối với Bắc Kinh sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa sẽ kết thúc tình trạng phát triển mang tính hủy diệt trên con sông này.
Theo lệnh của ông Tập đưa ra năm 2016, các chính quyền địa phương đã phá hủy nhiều con đập, nạo vét rác thải nhựa trên sông Dương Tử, di dời các nhà máy, cấm xả rác, hạn chế cho trồng trọt và xây dựng dọc bờ sông. Tuy nhiên, khu vực này cho đến nay vẫn không tránh khỏi những tác động đáng kể từ đập Tam Hiệp, bị cho là góp phần làm gia tăng động đất, tình trạng phân tán của các hệ sinh thái và vô số những vấn đề khác.
Theo Bộ Môi trường sinh thái Trung Quốc, khu vực xung quanh sông Dương Tử đã xảy ra 776 trận động đất trong năm 2017, tăng 60% so với năm 2016. Một cuộc nghiên cứu từ Cục Địa chấn Trung Quốc cho hay số trận động đất ở khu vực đã tăng gấp 30 lần trong giai đoạn từ năm 2003 - 2009. Đại biểu Tạ, cũng là giáo sư tại Đại học Tây Nam ở Trùng Khánh, cho rằng còn có nhiều thách thức khác như nước thải từ các nhánh sông làm ô nhiễm sông Dương Tử.

Thêm tiền cũng không đủ ?

Chính phủ Trung Quốc từ lâu khẳng định các lợi ích của đập Tam Hiệp lớn hơn so với chi phí và những vấn đề liên quan. Dù vậy, vào năm 2011, Bắc Kinh hứa chi 1.238 tỉ nhân dân tệ đến năm 2020 để cố gắng khắc phục các hệ quả. Bắc Kinh cam kết nâng cao chất lượng sống, cải thiện môi trường và tạo ra một cơ chế lâu dài ngăn chặn các thảm họa địa chất. Tuy nhiên, đại biểu Tạ khẳng định với Reuters rằng tính đến cuối năm ngoái, chưa đến phân nửa số tiền đó được giải ngân.
Cho đến nay, đất nông nghiệp ở xung quanh sông Dương Tử đã được khôi phục; các bờ sông cũng được gia cố và trồng rừng để giảm nguy cơ lở đất. Tuy nhiên, một học giả Trung Quốc giấu tên cho rằng dù chính phủ có chi thêm tiền thì cũng không đủ để giải quyết các vấn đề lâu dài. Sự tích tụ chất cặn gần đập Tam Hiệp đe dọa việc kiểm soát lũ. Hồ chứa khổng lồ cũng bị cho là đang góp phần làm gia tăng nhiệt độ trong khu vực. Nước ngày càng ấm hơn và sự phân tán của môi trường sống đe dọa các loài thủy sản, trong đó cá tầm ở sông Dương Tử đang có nguy cơ bị tuyệt chủng, theo Reuters.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.