Luật mới có hiệu lực vào ngày 1.2, cho phép hải cảnh sử dụng “tất cả biện pháp cần thiết” để chống lại tàu nước ngoài. Đáng lo ngại nhất là hải cảnh Trung Quốc được trao quyền xua đuổi tàu thuyền các nước khác, thậm chí sử dụng vũ khí nhằm vào tàu các nước khác ở khu vực mà Bắc Kinh tự ý tuyên bố chủ quyền.
Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cho biết 2 tàu hải cảnh Trung Quốc đã xâm nhập vùng biển của Nhật Bản gần các đảo không người ở vào khoảng 4 giờ 45 sáng ngày 6.2, theo hãng tin Kyodo. Lúc đó, có 2 tàu cá Nhật Bản đang hoạt động trong khu vực này.
Các tàu hải cảnh Trung Quốc chuyển hướng, được cho là nhằm tiếp cận 2 tàu cá Nhật Bản vào khoảng 4 giờ 52 phút ở khu vực cách đảo Minamikojima khoảng 22 km về phía nam.
Do đó, các tàu tuần duyên Nhật Bản đã được triển khai để bảo vệ tàu cá. Đây lần xâm nhập thứ 4 trong năm nay của tàu hải cảnh Trung Quốc.
Ngoài ra, 2 tàu hải cảnh khác của Trung Quốc, trong đó có 1 chiếc được trang bị một khẩu pháo, cùng lúc hoạt động trong khu vực được gọi là vùng tiếp giáp ngay bên ngoài lãnh hải Nhật Bản gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây là ngày thứ 8 liên tiếp các tàu Trung Quốc bị phát hiện gần các đảo nhỏ và vùng tiếp giáp.
Trong năm 2020, các tàu hải cảnh Trung Quốc đã xuất hiện tại vùng tiếp giáp trong tổng cộng 333 ngày, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Trong cuộc họp trực tuyến Nhật-Trung về vấn đề hàng hải hôm 3.2, Tokyo bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" về luật mới cho phép hải cảnh Trung Quốc bắt giữ tàu nước ngoài đi vào vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định luật này hoàn toàn phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế.
Trước đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi hôm 1.1 đề nghị Trung Quốc đảm bảo luật hải cảnh mới phải tuân thủ luật pháp quốc tế, theo Kyodo.
“Điều quan trọng là luật mới của Trung Quốc không nên được thực thi nếu vi phạm luật pháp quốc tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ các hoạt động của lực lượng hải cảnh Trung Quốc, bao gồm việc ban hành luật sẽ tác động như thế nào đến các quốc gia trong khu vực”, ông Motegi nói.
Các quan chức cho biết chính phủ Nhật Bản cũng đã thành lập một đơn vị đặc biệt thuộc văn phòng thủ tướng để phân tích tình hình ở Biển Hoa Đông.
Bình luận (0)