Tết ấm áp của du học sinh nơi đất khách

08/02/2016 06:00 GMT+7

Dù không thể về nước do nhiều lý do, những du học sinh Việt Nam khắp nơi trên thế giới vẫn có nhiều cách để chào đón năm mới Bính Thân cùng hương vị quê nhà.

Dù không thể về nước do nhiều lý do, những du học sinh Việt Nam khắp nơi trên thế giới vẫn có nhiều cách để chào đón năm mới Bính Thân cùng hương vị quê nhà.

Giờ khắc tụ họp đón năm mới của du học sinh Việt Nam tại Nga - Ảnh: Minh ĐạoGiờ khắc tụ họp đón năm mới của du học sinh Việt Nam tại Nga - Ảnh: Minh Đạo

Như mọi năm, Tết âm lịch là thời điểm các du học sinh Việt Nam hướng về quê nhà để sum vầy cùng gia đình. Tuy nhiên vì những lý do khách quan, không phải ai cũng về đúng dịp Tết để tận hưởng giờ phút tề tựu ấm áp cùng gia đình.

Gánh nặng cuối năm

Đa phần những du học sinh Việt Nam không thể về Tết đều xuất phát từ hai lý do chính: Trùng lịch học và không đủ khả năng tài chính.

Minh Thư, sinh viên đang học tại thủ đô Helsinki của Phần Lan cho biết không được nghỉ Tết âm lịch nên phải tiếp tục ở lại học tập và sinh hoạt bình thường. Tại một số nước lạnh giá như Phần Lan, sinh viên sẽ được nghỉ đông trùng với dịp Tết dương lịch, nên đó mới là thời điểm có thể về thăm gia đình.

Minh Thư, du học sinh Việt Nam ở Helsinki (Phần Lan) không thể về ăn Tết cùng gia đình vì trùng lịch học

Tương tự, Nguyễn Thị Lệ sống tại thành phố Shizuoka (Nhật Bản) cũng đành ở lại vì Nhật không có kỳ nghỉ dịp Tết dương lịch.

“Mình sang Nhật từ năm 2012, đã 4 năm nay không ăn Tết Việt Nam cùng gia đình. Năm học của Nhật kết thúc vào đầu tháng 3, nên đành phải đợi đến lúc ấy mới về được”, Lệ chia sẻ.

Dù vẫn có thể tận dụng những kỳ nghỉ khác để về thăm nhà, nhưng việc không sắp xếp được lịch học cũng như tài chính đã tạo gánh nặng cho các bạn du học sinh xa quê. Bạn Uyên Thi, một sinh viên sống tại thủ đô Washington (Mỹ) thừa nhận không thể về quê vì cấn lịch học và cả tài chính không cho phép.

“Mình không ăn Tết bên này. Tuy vậy Tết cũng có thể nói là gánh nặng, vì nếu không thể về thăm gia đình vào đúng dịp này sẽ thấy rất buồn, tủi thân, nhớ nhà... Nói chung cũng là gánh nặng tâm lý nữa”, Uyên Thi nói.

Còn bạn Minh Đạo, du học sinh Nga cũng chia sẻ về "gánh nặng" về mặt tâm lý khi đã năm thứ 3 liên tục không được ăn tết quê hương.
Minh Đạo chia sẻ: "Về nước để cùng gia đình sum họp đoàn viên, cùng gia đình đón Tết là một niềm ao ước mà mỗi đứa con xa nhà đều mong muốn thực hiện. Mình quyết định ở lại vì công việc học tập ở bên này không cho phép mình về quê gần 1 tháng để cùng gia đình ăn tết, nên mình cố kìm nỗi nhớ, cùng với mọi người trong đơn vị bên này tổ chức ăn tết xa nhà cũng phần nào vơi đi nỗi nhớ gia đình, nhớ Tết".

Hương vị quê nhà nơi đất khách

Không thể có mặt cùng gia đình và bạn bè tại quê hương, những du học sinh Việt Nam vẫn không bỏ lỡ thời khắc giao thừa gắn liền với truyền thống và tuổi thơ. Thay vì đón Tết ở nhà, họ biến đất khách thành những lễ hội nho nhỏ cho riêng mình và cộng đồng.



"Ngoài mua một bánh tét giá 7,5 euro, một ký củ kiệu 3,9 euro, chúng tôi còn mua thịt về kho theo cách truyền thống để ăn Tết, tổng cộng cỡ trên dưới 20 euro thôi. Sau đó gọi Skype về cho gia đình là cảm giác đỡ nhớ nhà hơn rồi. Trong đêm giao thừa, bạn bè xung quanh ai ai cũng gọi Skype cho gia đình hết", Minh Thư tại Phần Lan chia sẻ.

Số lượng sinh viên và học viên Việt Nam tại Mỹ đã tăng chóng mặt qua một nghiên cứu do Hệ thống thông tin về Sinh viên và Khách mời trao đổi (SEVIS) thực hiện và công bố trong tháng 12.2015. Bên cạnh đó, vốn dĩ cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ khá đông đảo (đặc biệt quận Cam của bang California và thành phố Houston ở Texas), nên việc ăn Tết theo đúng truyền thống Việt Nam dễ dàng hơn.

Bạn Thùy Linh (ở Fort Worth, Texas) cho biết chỉ cần tiến thẳng tới Houston là tha hồ mua bánh chưng, bánh tét, củ kiệu. Trong khi đó tại thủ đô Washington, bạn Uyên Thi nói rằng các nguyên liệu chuẩn bị Tết cổ truyền có thể tìm thấy tại các khu người Việt/châu Á như Chinatown.

Ở một số nước khác ít người Việt Nam sinh sống hơn, cộng đồng sinh viên du học cũng cùng nhau tự tạo ra những buổi lễ lớn nhỏ khác nhau, để cùng có thể tận hưởng hương vị Tết cổ truyền.

Tại Nga, bạn Minh Đạo, học tại trường Đại học quốc gia Moscow về nghiên cứu năng lượng, cho biết các “đơn vị” (chỉ cộng đồng Việt Nam tại trường) cũng tổ chức một đêm văn nghệ, ăn uống, cũng trang trí phông nền, câu đối kỹ lưỡng. Trước đó, các bạn gói bánh chưng và nấu từ ngày 27 Tết và cùng đón giao thừa vào 20 giờ tối 7.2 (giờ Moscow, đúng 0 giờ sáng 8.2 tức mồng 1 tết, theo giờ Việt Nam).

Các bạn du học sinh Việt Nam tại Nga tập trung gói bánh chưng chuẩn bị Tết - Ảnh: Minh Đạo

Nguyên liệu nấu bánh chưng - Ảnh: Minh Đạo

Bạn Minh Thư từ Helsinki cho biết năm nay nhóm Cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Phần Lan sẽ tổ chức một buổi tiệc chào đón Tết Bính Thân tại khu Lahti với những tiết mục biểu diễn, trò chơi dân gian, món ăn truyền thống, giá vé chỉ tầm 8 euro.

Hầu hết những du học sinh xa xứ đều chung một nỗi nhớ quê hương. Bình thường họ không phải lúc nào cũng tụ họp do còn bận học và làm việc, nhưng dịp Tết là lúc tất cả cùng nhau tạo ra bầu không khí chung để cảm nhận sự ấm áp từ quê nhà.

Quảng bá văn hóa Tết cổ truyền với nước bạn

Việc những du học sinh Việt Nam cùng nhau tổ chức các buổi lễ, hội họp trong dịp Tết bên cạnh mang lại niềm vui xa nhà, cũng góp phần truyền bá văn hóa truyền thống của đất Việt trên nước bạn.

Bạn Nguyễn Thị Lệ ở thành phố Shizuoka, nơi có núi Phú Sĩ nổi tiếng của Nhật Bản, cho biết người Nhật rất thích đồ ăn Việt Nam. Nhiều người Nhật Bản biết tới bánh xèo, gỏi cuốn, phở... và đồ ăn Việt Nam cho ngày Tết như bánh chưng cũng được bày bán rất nhiều tại Osaka và thủ đô Tokyo.

Cũng nhờ vậy, phong tục Tết của người Việt Nam được nhiều người Nhật hưởng ứng, và ngược lại nếu muốn mua nguyên liệu và đồ ăn Tết, ở Nhật cũng không thiếu.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.