|
Tài liệu chưa từng được tiết lộ của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho thấy lãnh đạo thời chiến của nước Anh Winston Churchill đã nhấn mạnh rằng một đòn tấn công hạt nhân phủ đầu có thể là cách duy nhất ngăn chặn chủ nghĩa xã hội tràn qua phương Tây vào giai đoạn đầu của Chiến tranh lạnh, theo tờ Mail Online.
Thổi bay Điện Kremlin
Bản ghi chép nêu rõ ngay vào năm 1947, ông Churchill (thủ tướng Anh nhiệm kỳ 1940 - 1945; 1951 - 1955) đã thúc giục thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Styles Bridges hãy thuyết phục Tổng thống Mỹ Harry Truman tiến hành cuộc tấn công hạt nhân nhằm “thổi bay” Điện Kremlin và biến Liên Xô thành một vấn đề có thể giải quyết dễ dàng như “ăn gỏi”.
Tổng thống Truman chính là người quyết định cho thả 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) vào tháng 8.1945 nhằm chấm dứt Thế chiến 2. Cách đó vài năm, Anh, Mỹ và Liên Xô vẫn còn là đồng minh cho đến khi Thế chiến 2 kết thúc năm 1945. Dù mất ghế thủ tướng ngay sau khi chiến tranh chấm dứt ở châu Âu, Churchill vẫn là chính khách có ảnh hưởng lớn tại Anh và là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên của thế giới lên tiếng công khai về cái mà phương Tây cho là mối đe dọa từ Liên Xô. Vào tháng 2.1946, lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin đọc bài diễn văn khẳng định chủ nghĩa cộng sản đã thành công và sẽ đánh đổ chủ nghĩa tư bản. Một tháng sau, trong một bài diễn văn đáp trả tại thành phố Fulton, bang Missouri (Mỹ), ông Churchill đã phản bác quan điểm của Stalin và lần đầu tiên dùng đến cụm từ “bức màn sắt” để mô tả bối cảnh ở châu Âu thời hậu chiến.
“Tiên hạ thủ vi cường”
Theo RIA-Novosti, nếu Tổng thống Truman nghe theo lời hối thúc của Churchill, Liên Xô hoàn toàn thúc thủ trước một cuộc tấn công hạt nhân do họ vẫn chưa thử nghiệm thành công bom nguyên tử cho đến năm 1949. Churchill cho rằng mối đe dọa từ Liên Xô quá lớn, đến nỗi việc hy sinh “hàng trăm ngàn sinh mạng người dân nước này trong một cuộc tấn công hạt nhân” là cái giá có thể chấp nhận được để đổi lấy tương lai. Cho rằng Liên Xô lúc đó đang nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân để có thể đáp trả Mỹ, nên khi dùng lời lẽ thuyết phục, Churchill cảnh báo là Liên Xô có thể tấn công Mỹ trong vòng từ “2 đến 3 năm”, và hậu quả là nền văn minh loài người có thể bị quét sạch hoặc bị đẩy lùi nhiều năm.
Churchill đã đúng khi nói về chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Liên Xô. Người Nga cho nổ quả bom nguyên tử đầu tiên là RDS 1 tại bãi thử Semipalatinsk vào ngày 29.9.1949, trước sự ngạc nhiên của Mỹ. Tuy nhiên, không như Churchill lo ngại, Điện Kremlin không hề dùng bom nguyên tử chống lại Mỹ, mà Chiến tranh lạnh lại là sự so găng trên mặt trận ngoại giao, chạy đua vũ trang và các cuộc chiến ủy nhiệm bằng vũ khí thường trên toàn cầu giữa hai thế lực.
Bản ghi chép của FBI lần đầu tiên được công bố trong một quyển sách có tên When Lions Roar: The Churchills And The Kennedys (tạm dịch: Khi các mãnh sư gầm rống: gia tộc Churchill và gia tộc Kennedy), của nhà báo điều tra Thomas Maier. Giải thích cho quan điểm khát máu của Churchill, nhà báo Maier phân tích rằng do từng chứng kiến nhiều bước phát triển của vũ khí trong 2 cuộc đại chiến của thế giới, dưới mắt Churchill, “một vụ ném bom nguyên tử chỉ là một sự phát triển kế tiếp của chiến tranh quy ước, cho đến khi ông nhận ra sự hủy diệt kinh người của vũ khí hạt nhân”. Nhà báo Mỹ cho hay Churchill tỏ ra “hiếu chiến” hơn hẳn khi rời khỏi ghế thủ tướng lần thứ nhất. Sau khi ông quay lại quyền lực vào năm 1951, việc tấn công hạt nhân Liên Xô không được đề cập trở lại.
Thụy Miên
>> Nhật kỷ niệm ngày bại trận Thế chiến 2, Trung Quốc tập trận
>> Quốc hội Hungary sơ tán vì bom từ Thế chiến 2
>> Hồ sơ chiến tranh toàn cầu của Mỹ: Nền tảng thắng lợi cho Thế chiến 2
>> Nhật Bản khai quật bí mật Thế chiến 2
Bình luận (0)