Thế giới trước nguy cơ không đạt mục tiêu chống biến đổi khí hậu

13/12/2020 14:27 GMT+7

Thế giới vẫn chưa theo kịp các mốc cần đạt được của Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu 2015, sau kết quả “èo uột” đạt được tại hội nghị với sự tham gia của hơn 70 nhà lãnh đạo thế giới.

Báo The Guardian hôm 12.12 dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Anh Alok Sharma nêu lên câu hỏi: “Phải chăng chúng ta đang hành động đúng mức để đưa thế giới đi đúng hướng nhằm hạn chế tình trạng ấm lên toàn cầu đang tiến đến ngưỡng tăng 1,5oC, qua đó bảo vệ con người, tự nhiên trước tác động của thay đổi khí hậu?”, và ông đưa ra câu trả lời: “Không!”.
Bộ trưởng Sharma thừa nhận vẫn đạt được tiến triển tại Hội nghị Tham vọng về Khí hậu, được tổ chức trực tuyến vào ngày 12.12 với sự đồng chủ trì của Liên Hiệp Quốc, Anh và Pháp, hợp tác với Chile và Ý.
Đánh dấu 5 năm kể từ Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu, Hội nghị Tham vọng về Khí hậu chứng kiến sự tham gia của hơn 70 nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Giáo hoàng Francis cũng lên tiếng thúc giục thế giới hãy nhanh chóng hành động để giải bài toán khí hậu.
Tuy nhiên, trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình tái cam kết mục tiêu Trung Quốc đạt phát thải zero vào năm 2060, ông hầu như không đưa ra chi tiết mới nào về việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong thập niên tới.
Về phần mình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố sẽ “vượt kỳ vọng” trong việc hạn chế khí CO2 vào năm 2047, dịp kỷ niệm 100 năm ngày Ấn Độ độc lập, nhưng lại không đề cập đến khả năng giảm sản lượng than đá.

Tổng thống Trump: Khí hậu sẽ dịu mát hơn, khoa học không biết đâu

Ông Sharma sẽ đảm nhiệm vai trò chủ tịch cho nỗ lực thương thuyết kế tiếp của Liên Hiệp Quốc, gọi là COP26, được dời lại và tổ chức tại Glasgow vào năm sau thay vì năm nay do dịch Covid-19.
Bộ trưởng Anh kêu gọi các quốc gia hãy vạch kế hoạch hành động trước khi COP26 diễn ra, nhằm đạt được mục tiêu phát thải zero vào giữa thế kỷ này.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres vận động tất cả lãnh đạo thế giới hãy tuyên bố biến đổi khí hậu là tình trạng khẩn cấp. Hiện đã có 38 quốc gia gọi biến đổi khí hậu là vấn đề khẩn cấp của quốc gia.
Những lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh nhều nước rót tiền vào các hoạt động sẽ làm tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhằm hồi phục kinh tế sau cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.