Thế giới vào giai đoạn quyết liệt chống đại dịch Covid-19

01/04/2020 01:29 GMT+7

Với tình trạng số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng nhanh, các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang tiến hành nhiều biện pháp chống dịch mang tính quyết liệt hơn.

Tính đến ngày 31.3, dịch Covid-19 đã lan tới gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với hơn 800.000 ca nhiễm và hơn 39.000 người tử vong.

“30 ngày quan trọng”

Cho đến tối qua, quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất trên thế giới vẫn là Mỹ, với hơn 165.000 ca, trong đó có hơn 3.170 trường hợp tử vong. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump cho hay hơn 1 triệu người Mỹ đã được xét nghiệm Covid-19 và gọi đó là một bước ngoặt. Ông Trump cho biết các quy định hạn chế tiếp xúc, đi lại sẽ được thắt chặt và kêu gọi mỗi người tuân thủ quy định. “Mỗi người chúng ta đóng một vai trò trong việc chiến thắng cuộc chiến tranh này. Mỗi công dân, gia đình và doanh nghiệp tạo ra sự khác biệt trong việc ngăn chặn vi rút... Thời gian thử thách là 30 ngày sắp tới và đây là 30 ngày rất quan trọng”, ông Trump nhấn mạnh.

[VIDEO] Hơn 42.000 người tử vong vì Covid-19, thế giới có 857.480 ca nhiễm

Theo CNN, có ít nhất 256 triệu người Mỹ, tương đương 78% dân số, đang ở trong tình trạng cách ly tại chỗ. Dù các biện pháp hạn chế tiếp xúc được thực thi, số người chết vì Covid-19 ở Mỹ có thể tăng lên gần 84.000 vào tháng 8, theo biểu đồ dự báo về số ca tử vong ở nước này được Nhà Trắng trích dẫn.
Dịch Covid-19 đã lây lan đến tất cả 50 tiểu bang, thủ đô Washington D.C và các vùng lãnh thổ của Mỹ, theo CNN. Trong đó, New York là bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với gần 66.500 ca nhiễm, trong đó có hơn 910 ca tử vong, và hơn 9.510 người đang điều trị tại bệnh viện. Trong lời cầu cứu hôm qua, Thống đốc Andrew Cuomo cho biết hệ thống y tế tại New York cần thêm giúp đỡ và kêu gọi các nhân viên y tế từ các bang khác đến giúp. “Nếu các bạn không bận, làm ơn hãy đến giúp chúng tôi. Chúng tôi sẽ trả ơn”, ông Cuomo kêu gọi.

Cố vấn y tế cảnh báo Mỹ có thể chịu 200.000 ca tử vong vì Covid-19

Diễn biến nghiêm trọng

Dịch bệnh cũng diễn biến phức tạp ở hàng loạt nước châu Âu, châu Á và cả Trung Đông khi số người nhiễm và tử vong liên tục tăng. Tại Đông Nam Á, Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm qua ban bố tình trạng khẩn cấp y tế  quốc gia, theo Reuters. Indonesia hiện là quốc gia Đông Nam Á có số người chết vì Covid-19 cao nhất. Bộ Y tế nước này hôm qua ghi nhận thêm 14 người chết và 114 ca nhiễm, nâng tổng số ca tử vong và số ca nhiễm ở nước này lần lượt lên 136 và 1.528.

Giữ khoảng cách giúp cứu hàng triệu người

Tờ South China Morning Post ngày 31.3 dẫn nghiên cứu của Đại học Hoàng gia London (Anh) cho rằng dịch Covid-19 có thể khiến 40 triệu người trên thế giới tử vong nếu không áp dụng các biện pháp giữ khoảng cách tiếp xúc. Số người tử vong sẽ là 20 triệu nếu mọi người giảm tụ họp khoảng 40% và người cao tuổi hạn chế tiếp xúc khoảng 60%. Các biện pháp quyết liệt hơn có thể giúp giảm số người tử vong và chính phủ tất cả các nước sẽ đối diện với “quyết định thách thức” về thời điểm, cách thức áp dụng biện pháp giữ khoảng cách, cũng như duy trì bao lâu. Việc áp dụng sớm và duy trì biện pháp này trên phạm vi lớn có thể giúp 38,7 triệu người khỏi tử vong, theo nghiên cứu.    
 Khánh An
Hôm qua cũng là ngày Philippines ghi nhận số người chết và số ca nhiễm mới cao nhất từ trước tới nay. Myanmar hôm qua cũng thông báo ca Covid-19 tử vong đầu tiên, chỉ hơn một tuần sau khi nước này xác nhận có 2 ca nhiễm đầu tiên.
Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO Takeshi Kasai hôm qua cảnh báo tất cả các nước và vùng lãnh thổ thuộc châu Á - Thái Bình Dương vẫn đối diện nguy cơ cao về dịch Covid-19, theo Reuters. Ông Kasai kêu gọi mỗi người dân chuẩn bị đối phó với nguy cơ lây nhiễm quy mô lớn và các nước có số ca nhiễm giảm chưa nên dỡ bỏ bớt các biện pháp đối phó.

WHO: Giữ số ca nhiễm Covid-19 không tăng đã khó, muốn kéo giảm phải nỗ lực gấp đôi

Bên cạnh đó, mối lo về tình trạng thiếu thiết bị y tế tiếp tục nghiêm trọng ở một số nước. Theo Reuters, việc thiếu thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) ở Ấn Độ buộc nhiều bác sĩ phải dùng áo mưa và nón bảo hiểm chống dịch. Giám đốc điều hành Hội đồng y tá quốc tế Howard Catton cho rằng cần phải có thêm thiết bị để bảo vệ những người làm việc ở tuyến đầu chống Covid-19 trên thế giới, theo Reuters. “Chúng tôi tin rằng tỷ lệ nhiễm có liên quan đến tình trạng thiếu PPE. Có sự thiếu hụt trên toàn cầu và các y tá rõ ràng gặp nguy cơ cao hơn”, ông Catton nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.