Thêm 1 ngày chết chóc vì nCoV

09/02/2020 06:56 GMT+7

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút Corona (nCoV) vừa khiến Trung Quốc hứng chịu thêm một ngày có số lượng tử vong lớn.

Số người chết sắp vượt SARS

Đặt tên mới cho vi rút

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ngày 8.2 thông báo tên chính thức của vi rút sẽ được sử dụng tạm thời trong thời gian tới là “vi rút viêm phổi Corona mới” (NCP). Ủy ban cho biết tên mới này sẽ được sử dụng trong các cơ quan, tổ chức tại Trung Quốc cho đến khi cái tên chính thức cho dịch bệnh được Ủy ban Quốc tế về phân loại vi rút (ICTV) quyết định.
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 8.2 thông báo có thêm 86 người tử vong tại đại lục do nCoV tính đến hết ngày 7.2, nâng tổng số ca tử vong lên thành 722. Đây là con số tử vong cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại TP.Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc vào cuối năm ngoái.
Theo thống kê của giới chuyên gia, số người chết vì dịch nCoV sắp cân bằng con số của dịch Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) hồi năm 2002 - 2003 (ước tính 774 người). Trong khi đó, số người nhiễm nCoV tại đại lục là hơn 34.500 người, cao gấp 4 lần so với dịch SARS (8.098 người). Đa số các ca nhiễm và tử vong mới đều được ghi nhận tại tâm dịch Vũ Hán.

[VIDEO] Cập nhật dịch vi rút corona: 724 người chết toàn cầu, sắp vượt mức dịch SARS

Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc hôm qua thông báo một công dân nước này đã tử vong tại bệnh viện ở Vũ Hán ngày 7.2 do nhiễm nCoV, ca tử vong đầu tiên không phải người Trung Quốc. Sau đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản xác nhận một công dân nước này tử vong tại Vũ Hán ngày 8.2 vì viêm phổi do vi rút.
Theo Kyodo News, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng viêm phổi nặng vào ngày 22.1 và được xét nghiệm nhưng các bác sĩ chưa thể kết luận người này có nhiễm nCoV hay không vào thời điểm tử vong. Hai ca tử vong ngoài đại lục tính đến nay là tại Hồng Kông và Philippines, nhưng cả hai đều là người Trung Quốc.

[VIDEO] Công dân Mỹ đầu tiên chết vì virus corona tại Vũ Hán

Hôm qua, TP.Vũ Hán khai trương Bệnh viện Lôi Thần Sơn với quy mô 1.500 giường bệnh, được xây dựng chỉ trong 12 ngày để giúp chống dịch nCoV, theo CCTV. Trước đó, Bệnh viện Hỏa Thần Sơn cũng được xây dựng trong thời gian rất ngắn với quy mô 1.000 giường bệnh đã tiếp nhận bệnh nhân từ ngày 3.2.
Cũng trong hôm qua, chính quyền TP.Thâm Quyến và TP.Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông ra lệnh phong tỏa một phần thành phố với những quy định đi lại nghiêm ngặt nhằm ngăn dịch. Trong khi đó, Bắc Kinh lại nới lỏng một số quy định về lưu thông trong bối cảnh người lao động chuẩn bị đi làm lại vào ngày 10.2 sau kỳ nghỉ năm mới âm lịch.
Thêm 1 ngày chết chóc vì nCoV

Hành khách đeo khẩu trang và mặc áo mưa ở ga tàu tại Thượng Hải

Ảnh: Reuters

Tín hiệu tích cực

Dù con số tử vong tiếp tục tăng nhưng nhà chức trách và giới chuyên gia cũng chỉ ra tín hiệu để lạc quan. Theo NHC, có 510 người hồi phục và xuất viện sau khi nhiễm nCoV trong ngày 7.2, nâng tổng số hồi phục lên thành 2.050 người.
Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Vương Quốc Cường tại Bệnh viện Đệ nhất ĐH Bắc Kinh cho rằng dữ liệu ban đầu về số người hồi phục sau khi nhiễm nCoV là “rất hứa hẹn”, theo tờ South China Morning Post. Ông Vương dẫn số liệu từ các bệnh nhân khỏi bệnh ở Vũ Hán nói có khoảng 6% bệnh nhân trong tình trạng “trầm trọng” đã hồi phục, tuy số bệnh nhân khỏe lại sau khi trải qua nguy kịch chưa bằng 1%.

[VIDEO] Mỹ cam kết viện trợ 100 triệu USD cho cuộc chiến chống virus corona

Giáo sư vi rút học Hitoshi Oshitani tại ĐH Tohoku (Nhật Bản) cũng lạc quan về việc người bệnh nặng hồi phục và nhận định tỷ lệ tử vong của dịch nCoV là thấp hơn dịch SARS. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng cần phải có thêm dữ liệu thời gian thực để đánh giá chính xác mối đe dọa từ bệnh dịch.
Mặt khác, nhà khoa học Robin Shattock tại Trường cao đẳng Hoàng gia London (ICL) tham gia nghiên cứu vắc xin ngừa nCoV cho rằng sớm nhất là đầu năm 2021 mới có loại vắc xin có thể sử dụng trên toàn cầu. Dù vậy, ông Shattock đánh giá tốc độ này là nhanh hơn so với việc điều chế những loại vắc xin ngăn dịch trước đây, theo CNN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.