Chuyên gia y tế công cộng Gabriel Leung (Lương Trác Vỹ) thuộc Đại học Hồng Kông ngày 7.2 cảnh báo rằng dịch viêm phổi Vũ Hán do chủng mới của virus Corona (nCoV) có thể sẽ không chấm dứt khi thời tiết ấm lên như đợt dịch Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2003, cũng do một chủng khác của virus Corona gây ra.
“Tôi thấy rằng những nơi có thời tiết rất khác với chúng ta như Singapore và Thái Lan lại có số ca nhiễm cao hơn chúng ta dù thời tiết ở đó đang giống như thời tiết vào mùa hè ở Hồng Kông”, ông Lương nói và nhấn mạnh sẽ không dựa vào yếu tố thời tiết để cân nhắc về cách chống chọi với đợt dịch lần này.
Đến nay, Hồng Kông có 22 ca nhiễm nCoV (trong đó 1 người chết) trong khi Singapore có 30 ca, Thái Lan có 25 ca, theo đài RTHK.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác lại dựa vào diễn biến của các đợt dịch bệnh trong quá khứ để chỉ ra rằng thời tiết có thể là yếu tố khiến virus bớt lây lan.
Tiến sĩ Joel Myers, sáng lập trang AccuWeather cho biết dựa vào dữ liệu từ dịch SARS năm 2003, dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 và cúm ở Mỹ trong 10 năm qua, virus thường giảm lây lan từ tháng 5-9 khi trời nhiều nắng và nhiệt độ ấm hơn.
|
“Có khả năng khi ánh nắng tăng cường, ban ngày dài hơn và nhiệt độ ấm hơn thì virus có thể bị kiềm chế. Tuy nhiên, nCoV cũng có thể khác biệt so với những loại khác và chúng ta chỉ mới biết về nó”, ông Myers cảnh báo.
Tiến sĩ vi sinh phân tử và miễn dịch học Andrew Pekosz tại Trường Y tế công Johns Hopkins Bloomberg (Mỹ) cho biết virus Corona hô hấp thường hoạt động mạnh hơn trong các tháng lạnh, nhưng đối với nCoV thì khó dự đoán vì hiện chưa có dữ liệu về cách truyền nhiễm của nó.
|
Trong khi đó, giáo sư Paul Tambyah thuộc khoa bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y Cluster (Singapore) cho rằng dịch nCoV có thể suy giảm vào mùa nóng như dịch SARS ở Trung Quốc hồi năm 2003.
Ông nói rằng thời tiết nóng cũng giúp loại trừ các bệnh hô hấp do virus khác như bệnh cúm. “Tôi khá tự tin mọi chuyện sẽ lắng xuống vào tháng 6”, ông Tambyah nhận định với tờ The Straits Times.
Mặt khác, giáo sư Tambyah còn cho biết thêm một thông tin rằng các nghiên cứu trước đây cho thấy virus Corona có thể tồn tại gần 100 giờ ở nhiệt độ 6oC nhưng sẽ bị tiêu diệt trong 1-2 giờ ở nhiệt độ 30oC.
“Nhiệt độ cao, độ ẩm cao thì virus sẽ chết đi rất nhanh và ngược lại. Đó là lý do ở trong căn phòng thông thoáng, không có điều hòa có thể giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh hơn trong phòng kín có bật điều hòa”, giáo sư Tambyah nói.
Đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thừa nhận vẫn chưa rõ nguồn khởi phát của nCoV cũng như cơ chế lây nhiễm. Các nhà nghiên cứu tại nhiều nước đang chạy đua với thời gian để điều chế vắc xin và thuốc điều trị nhằm ngăn chặn dịch bệnh này lây lan
Bình luận (0)