Thông điệp của Việt Nam về biến đổi khí hậu tại LHQ

12/12/2018 14:30 GMT+7

Việt Nam kêu gọi thế giới cùng nỗ lực nhằm ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh là quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, Việt Nam luôn tích cực hành động nhằm giảm nhẹ và thích ứng, cũng như thực thi Thỏa thuận Paris. Bên lề Hội nghị lần thứ 24 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP24) tại Ba Lan, ông Phạm Văn Tấn, Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Phó trưởng ban Công tác đàm phán của Việt Nam, chia sẻ riêng các nội dung liên quan với phóng viên Thanh Niên, có mặt tường thuật sự kiện quan trọng này với sự hỗ trợ của Mạng lưới báo chí Trái đất và Quỹ Stanley (Mỹ).
Xin ông cho biết về thông điệp của Việt Nam tại hội nghị lần này?
Thông điệp Việt Nam muốn đưa ra là ứng phó biến đổi khí hậu cần có nỗ lực của toàn cầu, của khu vực, của mỗi quốc gia và mỗi thực thể trong xã hội. Tại hội nghị này, chúng ta nhìn góc nhìn từ phía toàn cầu đang làm gì, các tổ chức toàn cầu giúp các quốc gia như thế nào, đối với Việt Nam thì sự giúp đỡ đó có tác dụng gì trong việc triển khai công tác ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Được biết, việc triển khai cam kết hỗ trợ 100 tỉ USD cho công tác phòng chống biến đổi khí hậu đã và đang gặp nhiều thách thức. Tại hội nghị lần này, quá trình đàm phán giữa các bên đã có những tiến triển gì?
Cam kết hỗ trợ 100 tỉ USD từ các nước phát triển đã được bàn thảo nhiều năm nay. Tuy nhiên, đánh giá mức độ hoàn thành đến đâu lại có rất nhiều ý kiến bởi vì chưa thống nhất được cách đo, cách đánh giá như thế nào. Mỗi người sẽ đưa ra một con số và sẽ không bao giờ đi đến hồi kết nếu chúng ta không thống nhất được thước đo. Tại hội nghị lần này, các bên đã thảo luận rất nhiều nhưng vẫn chưa thể đi đến thống nhất.
Một trong những thách thức cho chương trình hỗ trợ tài chính là do các nước phát triển muốn các nước đang phát triển phải minh bạch trong các hoạt động liên quan. Theo ông, Việt Nam làm gì để thể hiện sự minh bạch này?
Minh bạch không phải chỉ là trách nhiệm của các nước đang phát triển mà là trách nhiệm chung của tất cả các bên. Trong đó, các nước đang phát triển chịu trách nhiệm minh bạch về các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu. Chẳng hạn như thích ứng như thế nào, giảm nhẹ hậu quả ra sao, đo đạc, kiểm đếm như thế nào? Các nước phát triển cũng phải thích ứng, cũng giảm nhẹ nhưng ngoài ra còn phải minh bạch trong việc cung cấp hỗ trợ cho ứng phó biến đổi khí hậu. Liên quan đến con số 100 tỉ USD, hiện nay đã hỗ trợ được bao nhiêu thì mỗi bên lại đánh giá một kiểu.
Đối với Việt Nam, chúng ta hết sức nỗ lực để làm sao các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu tiếp cận tiêu chuẩn minh bạch của quốc tế. Đây là một quá trình dài. Các nước phát triển đã thực hiện Nghị định thư Kyoto hàng chục năm nay. Do đó, trách nhiệm và trình độ minh bạch hóa cũng khác. Đối với những nước đang phát triển phải mất một thời gian. Thời gian đó là bao lâu, được cho phép đến bao giờ cũng chính là nội dung được thảo luận tại hội nghị COP24 lần này.
Có ý kiến cho rằng giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đồng nghĩa với việc làm chậm tiến trình công nghiệp hóa tại các nước đang phát triển. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
Đứng từ mặt giảm nhẹ phát thải, có thể lúc đầu chúng ta phải đầu tư nhiều hơn. Nhưng đứng từ mặt dài hạn sẽ mang lại lợi ích về kinh tế, môi trường và tất cả các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều hoạt động giảm nhẹ phát thải nhà kính chúng ta làm không những không phải chi nhiều hơn mà còn có lãi, nếu chúng ta làm ngay bây giờ.
Xin cảm ơn ông.
Việt Nam chủ trì sự kiện về hợp tác quốc tế
Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 24 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP24) tại Ba Lan, đoàn đại biểu Việt Nam đã chủ trì phiên thảo luận về chia sẻ kinh nghiệm trong hợp tác quốc tế nhằm triển khai các Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Sự kiện diễn ra hôm qua (giờ địa phương) do ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, chủ trì.
Tại đây, đại diện Việt Nam cùng các nước khu vực châu Á, châu Phi, châu Mỹ La tinh và vùng Carribean đã chia sẻ nhiều mô hình, kinh nghiệm trong việc hợp tác, trao đổi kinh nghiệm nhằm đẩy mạnh công tác giảm nhẹ, thích ứng với biến đổi khí hậu và hợp tác toàn cầu về các chiến lược phát triển ít phát thải khí nhà kính

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.