Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki hôm qua xác nhận Tổng thống Joe Biden sẽ tham gia cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến vào ngày 12.3, cùng các nhà lãnh đạo Ấn Độ, Nhật Bản và Úc. Cuộc họp là một trong những sự kiện thượng đỉnh đầu tiên mà ông Biden tham dự kể từ khi nhậm chức, và cũng là lần đầu tiên nhóm bộ tứ tổ chức hội đàm trực tuyến ở cấp lãnh đạo.
Nghị trình ưu tiên
Cuộc họp thượng đỉnh của bộ tứ được tổ chức trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng giữa các thành viên của nhóm với Trung Quốc. Về cơ bản, mục tiêu hội đàm là giới thiệu nhóm bộ tứ như là một thành tố mới cho bức tranh ngoại giao ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific), nhằm đối phó sự trỗi dậy về mặt kinh tế và quân sự của Trung Quốc tại đây, theo Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ.
"Việc Tổng thống Biden chọn sự kiện trên trong danh sách các nghị trình đầu tiên liên quan đối thoại đa phương cho thấy chính quyền Washington ưu tiên tăng cường quan hệ với đồng minh và đối tác tại Indo-Pacific”, theo bà Psaki. Thủ tướng Úc Scott Morrison lên tiếng hoan nghênh thông báo trên từ Nhà Trắng và đánh giá Tổng thống Biden đã “nâng tầm” cho hoạt động của nhóm bộ tứ. “Đó sẽ là thời khắc lịch sử của khu vực, gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng chúng ta ủng hộ một Indo-Pacific tự do và tôn trọng chủ quyền”, ông Morrison nói.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho hay Thủ tướng Narendra Modi sẽ dự cuộc họp. Trong thông cáo, Ấn Độ cho biết các nhà lãnh đạo dự kiến đề cập những vấn đề quan tâm chung ở tầm khu vực và toàn cầu, đồng thời trao đổi quan điểm về những lĩnh vực hợp tác thực tế nhằm duy trì một khu vực Indo-Pacific tự do, rộng mở và dành cho tất cả. Bên cạnh đó, cuộc đối thoại cũng tập trung vào an ninh biển, cũng như đảm bảo cung cấp đầy đủ vắc xin phòng Covid-19 cho châu Á.
|
Nguy cơ gia tăng
Đô đốc Philip Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (INDOPACOM), hôm qua cảnh báo Mỹ đang đối mặt nguy cơ ngày càng tăng về việc Trung Quốc tìm cách đơn phương thay đổi hiện trạng tại khu vực, thông qua việc liên tục tăng cường binh lực. “Cán cân quân sự tại Indo-Pacific đang bị lệch theo hướng bất lợi cho Mỹ và các đồng minh”, tư lệnh INDOPACOM trình bày tại cuộc điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, theo Kyodo News. Ông Davidson lo ngại nếu tình trạng mất cân bằng quân sự tiếp diễn, Trung Quốc sẽ đến lúc “thử” thay đổi hiện trạng tại khu vực trước khi lực lượng Mỹ có thể xoay xở cách đáp trả hiệu quả.
Khả năng Mỹ - Trung đối thoại cấp caoSouth China Morning Post hôm qua dẫn lời một quan chức của chính quyền Washington tiết lộ Mỹ và Trung Quốc đang thảo luận về khả năng tổ chức hội đàm cấp cao song phương trong tương lai gần. Sau khi Nhà Trắng nói rằng vẫn chưa có thông tin nào có thể công bố về cuộc họp này, tờ báo trên dẫn nguồn tin cho hay Mỹ - Trung đang sắp xếp cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, tại Alaska.
|
Đô đốc Davidson nhận định Nhật Bản đóng vai trò “vô cùng quan trọng” đối với an ninh khu vực, mang đến năng lực đổ bộ, cũng như cho phép Mỹ triển khai các sứ mệnh của tiêm kích và máy bay tuần tra biển. Nếu Mỹ không đóng quân ở Nhật Bản, phải mất gần 3 tuần để triển khai binh lực từ Bờ Tây của Mỹ, và 17 ngày nếu từ Alaska, để đến được chuỗi đảo thứ nhất và triển khai chiến dịch ở chuỗi đảo thứ hai. Cũng theo ông Davidson, Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan trong vòng 6 năm tới. Đáp lại, Bắc Kinh cáo buộc Đô đốc Davidson “thổi phồng” nguy cơ Trung Quốc tấn công Đài Loan để tăng ngân sách quốc phòng Mỹ.
Bình luận (0)