Cũng như những thư tịch cổ của Việt Nam cho thấy nước ta đã sở hữu và thực thi chủ quyền suốt nhiều thế kỷ qua đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hệ thống thư tịch cổ của chính Trung Quốc từ thời Hán, Nguyên đã thừa nhận chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Bên cạnh đó, các thư tịch cổ của người phương Tây cũng phản ánh khách quan quá trình khai phá, chiếm hữu, xác lập chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo, đồng thời ghi nhận những sự giúp đỡ nhân đạo của chính quyền đối với tàu thuyền quốc tế gặp nạn tại khu vực.
Phên dậu nước An Nam
Để chứng minh cho yêu sách chủ quyền phi lý đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc thường viện dẫn những thư tịch cổ làm bằng chứng. Tuy nhiên, cổ thư Trung Quốc khi nói đến các đảo ở Biển Đông lại ghi nhận đó là các đảo “thuộc phiên quốc”, thậm chí có sách nói thẳng là thuộc về Giao Chỉ hoặc An Nam (đều chỉ Việt Nam trước đây). Theo Tạp chí Phương Đông, bộ Hải Quốc đồ ký, cuốn Hải Lục của Vương Bỉnh Nam (1820 - 1842) miêu tả: “Vạn Lý Trường Sa (tức Hoàng Sa) là dải cát dài dùng làm phên dậu che chắn mặt ngoài bờ cõi nước An Nam”.
Cuốn sách Lĩnh Ngoại đại đáp của tác giả Chu Khứ Phi thời Nam Tống (1127 - 1279) xác định Vạn Lý Trường Sa tọa lạc tại Giao Chỉ dương (tức biển Giao Chỉ). Các sử gia Trung Quốc từ xưa đã công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và hai quần đảo này không thể nào thuộc Trung Quốc.
Ngoài ra, nhiều thư tịch cổ của Trung Quốc cũng xác định cương vực tận cùng phía nam của nước này chỉ đến đảo Hải Nam là hết, tương tự như những bằng chứng không thể chối cãi từ các bản đồ Trung Quốc do chính nước này ấn hành trước giai đoạn 1947 - 1948 (thời điểm “đường lưỡi bò” phi lý chính thức xuất hiện) cũng như bản đồ Trung Quốc do phương Tây vẽ qua các giai đoạn lịch sử.
|
Cụ thể, trong cuốn Chư phiên chí soạn vào đời nhà Tống (960 - 1279), tác giả Triệu Nhữ Quát cho biết nhà Hán chỉ mới cai trị được phần phía bắc của đảo Hải Nam nhưng sau đó rút bỏ. Mãi tới đời nhà Tùy (581 - 617) mới chiếm trọn đảo Hải Nam. Bên cạnh đó, tác giả cho biết vùng Vạn Lý Trường Sa nằm ở phiên quốc, có nghĩa là không thuộc về Trung Quốc.
Cuốn Địa lý chí đời nhà Nguyên (1271 - 1370) chép rằng cương vực tổng thể nhà Nguyên chưa ổn định và chỉ đến cực nam đảo Quỳnh (đảo Hải Nam). Tương tự, sử nhà Minh chép rằng biên cương cực nam của triều đại này là Châu Nhai, vùng đất nằm trên phủ Quỳnh Châu (đảo Hải Nam). Cuốn Thanh sử cảo do Triệu Nhĩ Tốn đời nhà Thanh làm chủ biên, soạn năm 1914, cũng khẳng định lãnh thổ nhà Thanh không khác nhà Minh, phía cực nam chỉ đến đảo Hải Nam.
Liên tục hiện diện
Nhiều thư tịch cổ được các nhà hàng hải phương Tây ghi chép lại cũng khẳng định một cách khách quan chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông.
Một trong số đó là tài liệu của Đô đốc hải quân Pháp Jean-Baptiste Charles Henri Hector, hay còn gọi là bá tước D’Estaing, ghi chép vào ngày 10.4.1768 về những hoạt động tuần tra liên tục của lực lượng Việt Nam tại vùng biển gần bờ và khu vực quần đảo Hoàng Sa. Trong những chuyến khảo sát với ý định nhòm ngó đánh chiếm vào Thuận Hóa, ông D’Estaing đã nhiều lần chạm trán với tàu thuyền của Đàng Trong và ghi chép lại như sau: “Khó khăn tăng gấp bội khi vượt qua Paracels (quần đảo Hoàng Sa). Tàu thuyền đi giữa đám đảo, bãi ngầm này và đất liền thì thật là khó khăn hơn đi ở ngoài khơi. Hơn nữa, vùng biển này lại luôn có những thuyền nhỏ của người bản xứ (Đàng Trong) qua lại. Họ có thể biết được việc tàu chúng tôi đến đó”, Tạp chí Phương Đông trích từ tài liệu được công bố trên Bulletin de la Societe des Etudes Indochinoises 1942. Tài liệu này cho thấy đến thế kỷ 18, Đàng Trong vẫn thực hiện chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa thông qua các hoạt động tuần tiễu và kiểm soát thường xuyên.
Ông Jean-Baptiste Chaigneau (1769 - 1832, có tên tiếng Việt là Nguyễn Văn Thắng), một cận thần của vua Gia Long, cũng từng khẳng định Việt Nam có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Trong cuốn hồi ký Le Memoire sur la Cochinchine được viết năm 1820 sau khi quay về Pháp, ông Chaigneau mô tả: “Vương quốc Cochinchine (tên phương Tây gọi Việt Nam thời đó) mà vị vua hiện nay (vua Gia Long) tuyên xưng hoàng đế gồm xứ Nam Hà theo đúng nghĩa của nó, xứ Bắc Hà, một phần vương quốc Cao Miên, một vài đảo có dân cư ở không xa bờ biển và quần đảo Paracel (quần đảo Hoàng Sa) hợp thành từ những hòn đảo nhỏ, bãi ngầm và mỏm đá không có người ở”.
Trong tập san Journal of an Embassy from the Governor - General of India to the Courts of Siam and Cochinchina (tạm dịch: Tập san của Đại sứ quán từ Toàn quyền Ấn Độ gửi tòa án Xiêm và Cochinchina, tên phương Tây gọi Đàng Trong thời đó) do John Crawfurd biên soạn, xuất bản tại London (Anh) năm 1830, có đoạn viết: “Năm 1816, vua Cochinchina đã chiếm một phần đảo không có người và hiểm trở bao gồm nhiều đá, đảo nhỏ, bãi cát... gọi là Paracels. Theo đó, nhà vua tuyên bố quần đảo này thuộc chủ quyền nước này mà hầu như sẽ không bị tranh chấp”.
Sách Die Erdkunde von Asien (tiếng Đức) của Carl Ritter, xuất bản tại Berlin (Đức) năm 1834, cũng miêu tả các đảo thuộc Vương quốc Cochinchina, trong đó có Paracel như sau: “Những đảo nhỏ đầy cát và rong này vốn được hoàng đế Cochinchina tuyên bố chủ quyền từ năm 1816 và không gặp bất kỳ sự phản đối nào của các nước lân bang”.
Cứu nạn tàu thuyền bị đắmKhông những tuần tra bảo vệ biên cương Tổ quốc, chính quyền Việt Nam thời trước cũng luôn thể hiện tinh thần nhân đạo, sẵn sàng hỗ trợ cứu giúp những tàu thuyền gặp nạn khi đi qua vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Vào tháng 10.1714 thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725), tàu chở hàng của Hà Lan bị đắm khi đi qua khu vực gần quần đảo Hoàng Sa. “Những người Hà Lan bơi được vào bờ, được chúa Nguyễn Phúc Chu đối đãi như khách quý, giúp đỡ tiền gạo, nước uống và cho đưa vào Hội An để chờ tàu buôn Trung Hoa đưa về Batavia (nay là Jakarta - NV)”, theo Tạp chí Phương Đông. Tài liệu này không chỉ cho thấy Đàng Trong khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa mà còn xử sự văn minh, nhân đạo khi giúp đỡ nạn nhân đắm tàu.
|
Bình luận (0)