Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Vành đai bảo vệ an ninh tuyệt đối cho Tổng thống Trump

24/02/2019 16:00 GMT+7

Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn được lực lượng Mật vụ đảm bảo an ninh tuyệt đối trong những chuyến công du.

Chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh cho tổng thống Mỹ là lực lượng Mật vụ thuộc Bộ An ninh nội địa. Ra đời vào năm 1865 với nhiệm vụ chống hàng giả, lực lượng này dần dần được giao nhiệm vụ bảo vệ tổng thống, phó tổng thống và các thành viên gia đình...
Trên thực tế, lớp bảo vệ gần nhất với Tổng thống Trump là các thành viên tinh nhuệ của Đơn vị Bảo vệ tổng thống (PPD) thuộc Mật vụ Mỹ. Chỉ có một số nhỏ nhân viên Mật vụ được đưa vào PPD và những người này được tuyển chọn vì có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng xuất sắc.
Mật vụ Mỹ bảo vệ ứng cử viên tổng thống Donald Trump tại một sự kiện vận động cử tri ở bang Ohio năm 2016 Reuters
Trang Parade dẫn lời cựu nhân viên Mật vụ Mỹ Dan Emmett tiết lộ chỉ có thành viên đội PPD mới được bay trên chuyên cơ Không lực một và đây là cách đơn giản nhất để phân biệt một nhân viên an ninh thông thường và PPD.
Tổng thống Mỹ được bảo vệ 24/24 giờ và gần như không có không gian riêng. Thậm chí, Mật vụ còn theo sát tổng thống vào cả nhà vệ sinh và luôn kè kè để có thể đưa nhà lãnh đạo đi theo hướng họ muốn trong trường hợp khẩn, theo tờ The New York Times.
Luôn có ít nhất 3 lớp an ninh bảo vệ tổng thống, trong đó lớp trong cùng là đội PPD thuộc Mật vụ Mỹ AFP
Tuy nhiên, không phải nhân viên Mật vụ nào cũng luôn kề cận và che chắn cho tổng thống. Cây bút Jeffrey Robinson, đồng tác giả cuốn Standing Next to History: An Agent's Life Inside the Secret Service (tạm dịch: Cận kề lịch sử: Cuộc sống của một nhân viên Mật vụ), cho biết thường có 3 lớp an ninh xung quanh tổng thống Mỹ. Ngoài cùng là cảnh sát, kế đến là các nhân viên Mật vụ nói chung và trong cùng là đội PPD. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người phụ trách công tác tiền trạm và đánh giá, ngăn ngừa mối đe dọa xảy ra.
Dự kiến, Tổng thống Trump sẽ đến Hà Nội vào tuần sau để dự cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều với Chủ tịch Kim Jong-un vào ngày 27-28.2. Thông thường, Mật vụ và Nhà Trắng sẽ cử nhân viên đến nơi diễn ra sự kiện trước 3 tháng để gặp giới hữu trách địa phương, bàn bạc về phương án an ninh, việc đóng - mở không phận, tuyến đường cho đoàn xe hộ tống, xác định các bệnh viện và địa điểm an toàn gần nhất để rút về phòng thủ trong trường hợp xảy ra tấn công. Nơi ở của tổng thống cũng không bao giờ cách bệnh viện quá 10 phút di chuyển và luôn có một nhân viên Mật vụ túc trực ở đó để sẵn sàng phối hợp. 
Đôi kính đen giúp Mật vụ Mỹ tránh bị phát hiện đang theo dõi người khác và che chắn đôi mắt trước các vật thể lạ Reuters
Khi đến gần ngày diễn ra sự kiện, đội an ninh cùng chó nghiệp vụ sẽ kiểm tra mọi điểm dừng trên tuyến đường của tổng thống, rà soát các bãi giữ xe gần đó để đảm bảo không có bom hay chất nổ. Mật vụ Mỹ cũng kiểm tra lý lịch toàn bộ nhân viên khách sạn nơi tổng thống nghỉ ngơi và những người có lý lịch phạm tội, ngay cả những tội nhỏ nhất cũng sẽ bị yêu cầu nghỉ việc trong những ngày sự kiện diễn ra.
Nhân viên an ninh Mỹ sẽ phong tỏa toàn bộ tầng khách sạn tổng thống ở và tầng bên trên lẫn bên dưới. Chỉ có đội an ninh Mỹ mới được ở những tầng này. Toàn bộ thiết bị điện tử trong phòng tổng thống đều bị lấy đi để tránh bị cài bọ nghe lén. Các khung cửa được gắn kính chống đạn, thậm chí các bức ảnh treo tường hay để trên bàn cũng bị lấy ra vì có thể là nơi giấu camera.
Tuy nhiên không phải lúc nào Mật vụ Mỹ cũng đeo kính đen AFP
Một số nhân viên phụ trách quay phim đoàn xe của tổng thống để đề phòng trường hợp bị tấn công, đoạn phim sẽ là bằng chứng hữu ích. Bên cạnh đó, còn có một nhóm chuyên theo dõi việc chuẩn bị thức ăn cho tổng thống và trong các chuyến công du, phái đoàn Mỹ thường đưa theo đầu bếp, phục vụ và thực phẩm riêng. Do đó, lực lượng nhân viên tháp tùng tổng thống Mỹ lên đến con số cả ngàn người trong mỗi sự kiện này, theo báo The Oregonian

Vì sao Mật vụ Mỹ thường đeo kính đen?

Hình tượng Mật vụ Mỹ trong phim ảnh thường được miêu tả là một người cao to, mặt lạnh như tiền, luôn mặt vest và đeo kính đen. Tuy nhiên, thực tế thì không phải nhân viên Mật vụ nào cũng mặc vest và đeo kính đen vì họ có thể cải trang thành bất cứ ai để bảo vệ tổng thống. Theo giải thích của cây bút Ronald Kessler, tác giả cuốn In the President’s Secret Service: Behind the Scenes with Agents in the Line of Fire and the Presidents They Protect (tạm dịch: Bên trong đội Mật vụ của tổng thống: Chuyện hậu trường với những đặc vụ đứng giữa làn đạn và các tổng thống họ bảo vệ), việc đeo kính đen giúp cho nhân viên Mật vụ rà soát đám đông mà không bị phát hiện là đang nhắm thẳng vào một người cụ thể nào. Bên cạnh đó, đôi kính cũng là vật giúp bảo vệ Mật vụ trong trường hợp bị tạt nước hoặc bị ném vật thể cứng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.