Tình hình Hồng Kông căng như dây đàn

13/06/2019 06:40 GMT+7

Giới lãnh đạo Hồng Kông buộc phải hoãn phiên họp về dự luật dẫn độ gây tranh cãi, trong khi cảnh sát gọi hành vi quá khích của người biểu tình là cuộc bạo động.

Hôm qua 12.6, bạo lực lại xảy ra giữa đám đông biểu tình và cảnh sát Hồng Kông trong cuộc xuống đường phản đối dự luật dẫn độ. Tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin hàng chục ngàn người bao vây trụ sở chính quyền từ khuya 11.6, dùng gạch đá, xe cộ làm chướng ngại vật nhằm ngăn cản các nghị sĩ đến tòa nhà Hội đồng lập pháp (LegCo) để dự họp phiên thứ hai về dự luật. Đến trưa qua, giới lãnh đạo Hồng Kông thông báo tạm hoãn phiên họp do mọi tuyến đường xung quanh LegCo bị phong tỏa.
[VIDEO] Biểu tình, bạo động tiếp tục phủ bóng dự luật dẫn độ của Hồng Kông
Tổng vụ trưởng Hành chính Trương Kiến Tông kêu gọi người biểu tình giải tán vì cho rằng chính quyền đã lấy ý kiến người dân trước khi đưa ra dự luật. Theo dự luật này, nhánh hành pháp Hồng Kông có quyền xem xét và quyết định đưa nghi phạm bị truy nã đến những nơi mà đặc khu này chưa có thỏa thuận dẫn độ như đại lục, Ma Cau hay Đài Loan. Dự luật chỉ nhắm vào những tội danh có mức án từ 7 năm trở lên và loại trừ việc dẫn độ đối với các tội danh về kinh tế, chính trị hoặc hạn chế dẫn độ đến nơi mà tội phạm có thể bị kết án tử. Tuy nhiên, phe phản đối chỉ trích dự luật làm giảm sự độc lập của hệ thống tư pháp Hồng Kông, khiến nghi phạm đối diện cáo buộc không rõ ràng hoặc bị xét xử không công bằng ở đại lục
Tình hình Hồng Kông căng như dây đàn
Cảnh sát bắn lựu đạn cay để giải tán người biểu tình quá khích Ảnh: Reuters

Đặc khu trưởng Hồng Kông bị dọa giết

Hôm qua, nhiều nguồn nặc danh đe dọa sẽ sát hại Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga, lãnh đạo cơ quan tư pháp Trịnh Nhược Hoa và gia đình của hai vị này trong vòng 24 giờ nếu dự luật dẫn độ không bị bãi bỏ. Theo SCMP, cảnh sát đang tích cực điều tra nhằm tìm ra người đưa lời đe dọa trên. Trong khi đó, nhiều người biểu tình yêu cầu bà Lâm từ chức và tuyên bố sẽ leo thang hành động bằng cách xông vào các tòa nhà chính quyền, bao vây nhà của các quan chức, phong tỏa khu trung tâm, làm tê liệt hệ thống giao thông, đình công... nếu dự luật được thông qua.

Bạo lực bắt đầu bùng phát sau khi hạn chót mà người biểu tình đưa ra để buộc chính quyền rút lại dự luật kết thúc vào 15 giờ chiều qua (giờ địa phương). Những người quá khích đeo khẩu trang, đội mũ bảo hiểm, cầm dù làm lá chắn tìm cách phá vòng vây của cảnh sát nhưng bị đáp trả bằng dùi cui, đạn cao su và hơi cay. Ước tính có ít nhất 22 người bị thương trong cuộc đụng độ.
Sau đó, Trưởng ty cảnh sát Lư Vĩ Thông buộc phải tuyên bố tình trạng bạo động và lên án hành động vô trách nhiệm của người biểu tình khi dùng hung khí tấn công cảnh sát. Theo SCMP, những người vi phạm bị bắt giữ trong thời điểm này có thể đối diện bản án tối đa 10 năm tù giam. Đến tối qua, người biểu tình bị đẩy lui khỏi khu vực phía trước LegCo nhưng kéo đến tập trung ở khu trung tâm Hồng Kông và tuyên bố sẽ tiếp tục ở lại đây. Phát biểu trên truyền hình chiều qua, Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga lên án mạnh mẽ hành động bạo lực và kêu gọi khôi phục trật tự sớm nhất có thể, theo Reuters. Trong một cuộc phỏng vấn trước khi bạo lực xảy ra, bà Lâm rơi nước mắt phủ nhận cáo buộc của một số người cho rằng bà đã bán rẻ Hồng Kông: “Tôi lớn lên cùng người dân Hồng Kông và tình yêu dành cho mảnh đất này đã thúc đẩy tôi chấp nhận chịu nhiều hy sinh bản thân. Làm sao tôi có thể phản bội được”, bà Lâm nói.
Cùng ngày, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi lên án dự luật và cảnh báo nếu được thông qua, quốc hội Mỹ sẽ đánh giá lại liệu chính sách “một quốc gia, hai chế độ” có được thi hành phù hợp đối với Hồng Kông hay không, theo AFP. Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng phản đối “bình luận thiếu trách nhiệm và sai lầm của một số cá nhân tại Mỹ”. Ông Cảnh nhấn mạnh không ai có quyền can thiệp vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc, đồng thời cho biết chính quyền trung ương cương quyết ủng hộ dự luật dẫn độ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.