Hãng AP ngày 21.4 dẫn lời Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo rằng “điều tồi tệ nhất vẫn còn phía trước” trong đại dịch Covid-19, sau khi thế giới ghi nhận gần 2,5 triệu người mắc và 170.000 người tử vong.
“Hãy ngăn chặn bi kịch này. Đó là một virus mà nhiều người vẫn chưa hiểu”, ông Tedros kêu gọi, dù không nói rõ dự báo xu hướng diễn biến của dịch bệnh dựa trên căn cứ nào.
Trước đó, Tổng giám đốc WHO và một số chuyên gia cảnh báo rằng tình hình dịch Covid-19 tại châu Phi có thể diễn biến xấu vì hệ thống y tế còn nhiều hạn chế.
Liên quan đến cáo buộc của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc WHO không chia sẻ thông tin “kịp thời và minh bạch” lúc dịch Covid-19 mới bùng phát ở Trung Quốc, ông Tedros khẳng định “không có bí mật ở WHO vì giữ bí mật là nguy hiểm, đây là vấn đề sức khỏe”.
“Virus này nguy hiểm. Nó lợi dụng những rạn nứt giữa chúng ta khi chúng ta bất đồng”, ông nhận định.
Virus đột biến theo nhiều hướng
Liên quan đến chủng virus Corona mới (SARS-CoV-2) gây Covid-19, tờ South China Morning Post ngày 21.4 dẫn nghiên cứu của giáo sư Lý Lan Quyên và đồng nghiệp tại Đại học Chiết Giang (Trung Quốc) cho thấy virus có thể đột biến nhanh và tăng độc tính.
Nhóm nghiên cứu lấy ngẫu nhiên mẫu bệnh phẩm từ 11 bệnh nhân ở Hàng Châu để thử nghiệm khả năng bám và tiêu diệt tế bào của virus. Kết quả cho thấy virus “đột biến đa dạng”, trong đó có chủng có thể tạo tải lượng virus cao gấp 270 lần so với chủng yếu nhất.
Một nghiên cứu khác đăng trên chuyên san The Lancet cho thấy virus tấn công các mạch máu khắp cơ thể nên có thể dẫn đến suy đa tạng.
“Virus này không chỉ tấn công phổi, nó tấn công mạch máu khắp cơ thể”, theo chuyên gia Frank Ruschitzka tại Bệnh viện Đại học Zurich (Thụy Sĩ), thành viên nhóm nghiên cứu.
Điều này có thể lý giải vì sao những người hút thuốc, có bệnh sẵn làm suy yếu tế bào nội mô hoặc có mạch máu không khỏe mạnh dễ bị bệnh nặng khi mắc Covid-19, ông phân tích.
Bình luận (0)