Sau ba năm xem xét đơn kiện với 4.000 trang tài liệu chứng cứ và hai lần phân xử, lúc 16 giờ chiều 12.7 (giờ VN), Toà trọng tài thường trực (PCA, tại The Hague, Hà Lan) ra phán quyết: "Bắc Kinh không có “quyền lịch sử” ở Biển Đông", theo Reuters.
Theo phán quyết, tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” (hay đường 9 đoạn) - cái mà Trung Quốc gọi là “quyền lịch sử” là trái ngược với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS). “Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào để tuyên bố quyền lịch sử đối với những tài nguyên biển trong đường chín đoạn”, PCA phán quyết, bác bỏ “đường lưỡi bò” trong bản đồ năm 1947 của Bắc Kinh, theo Reuters.
Cũng theo phán quyết, PCA khẳng định Trung Quốc cản trở Philippines thực hiện quyền đánh bắt tại bãi cạn Scarborough (ngư trường truyền thống của Philippines), theo Reuters.
Trung Quốc gây thiệt hại lâu dài, không thể khắc phục đối với hệ sinh thái dải san hô ngầm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông, theo phán quyết của PCA.
Trong văn bản phán quyết dài 497 trang, PCA cho hay những đợt tuần tra của các tàu Trung Quốc gây ra mối đe dọa va chạm với tàu cá Philippines.
Phán quyết cũng khẳng định Ba Bình và những bãi đá khác ở quần đảo Trường Sa chỉ là "đá" và Trung Quốc không có quyền tuyên bố bất kỳ vùng đặc quyền kinh tế nào ở Trường Sa.
Phán quyết còn chỉ ra rằng trong quá trình phân xử vụ kiện, Trung Quốc đã “làm trầm trọng thêm và kéo dài tranh chấp” thông qua hoạt động cải tạo đất, xây dựng đảo nhân tạo cùng các cơ sở trên đó tại các khu vực tranh chấp.
Vào năm 2013, Philippines đã đệ đơn kiện lên PCA, phản đối tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, vốn nuốt trọn gần cả Biển Đông. Bắc Kinh nhiều lần tuyên bố phớt lờ phán quyết, cho rằng PCA không có quyền tài phán, đồng thời đẩy mạnh chiến dịch truyền thông phản đối phán quyết của PCA trong tuần qua.
Philippines từng nhấn mạnh Manila không muốn nhờ tòa án quốc tế giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, chỉ muốn PCA ra bác bỏ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Manila khẳng định “đường lưỡi bò”, cái mà Bắc Kinh gọi là “quyền lịch sử” dựa vào những bản đồ cũ xưa, là không có cơ sở pháp lý theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
Philippines còn tố Trung Quốc vi phạm UNCLOS khi ngăn cản tàu cá Philippines đánh bắt tại ngư trường truyền thống ở bãi cạn Scarborough. Bãi cạn này Trung Quốc chiếm từ tay Philippines vào năm 2012.
Ngay sau khi PCA ra phán quyết, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay đã kêu gọi các bên “kiềm chế và điềm tĩnh” ở Biển Đông.
PCA ra phán quyết nhưng không thể thực thi
UNCLOS cho phép PCA đưa ra phán quyết mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, thậm chí kể cả một bên vắng mặt trong các phiên phân xử, theo đài NBC (Mỹ). Tuy nhiên, PCA không có quyền thực thi phán quyết (hay buộc các bên phải tuân thủ phán quyết) và việc tuân thủ phán quyết là tùy thuộc vào các bên, theo AFP.
Philippines kỳ vọng phán quyết của PCA thiên về phía nước này sẽ giúp tăng cường gây áp lực quốc tế đối với Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải từ bỏ tham vọng bành trướng trên Biển Đông. Chẳng hạn Mỹ, đồng minh của Philippines, cùng một số nước phương Tây lâu nay luôn kêu gọi hai bên tuân thủ phán quyết của PCA.
Manila cũng kỳ vọng phán quyết của PCA sẽ tạo điều kiện cho Philippines ngồi vào bàn đàm phán với Trung Quốc. Từ đó, Philippines cũng muốn Trung Quốc ký kết Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) với ASEAN vốn bị trì hoãn lâu nay.
tin liên quan
Vì sao thế giới cần luật biển?Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 là nền tảng để tòa trọng tài quốc tế ngày 12.7 đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông.
Nhưng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố Trung Quốc sẽ “không sợ rắc rối”. Tân Hoa xã ngày 12.7 dẫn lời ông Tập cho biết “tòa trọng tài lạm dụng luật pháp” đưa ra “phán quyết vô căn cứ”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục tái khẳng định sẽ phớt lờ phán quyết của PCA, ngay trước thềm PCA ra phán quyết vào ngày 12.7. Trong thông cáo ngày 12.7, Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn khẳng định phán quyết của PCA bất luận thế nào cũng sẽ không ảnh hưởng đến chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, theo Reuters.
Hiện vẫn chưa rõ Bắc Kinh sẽ phản ứng như thế nào sau khi PCA ra phán quyết. Nhưng các chuyên gia dự đoán sau phán quyết của PCA, Trung Quốc có thể rút khỏi UNCLOS; hay bắt đầu xây đảo nhân tạo phi pháp tại bãi cạn Scarborough; hoặc đơn phương tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông nhằm buộc tất cả các chuyến bay phải thông báo với chính quyền nước này nếu muốn bay qua Biển Đông; hoặc tìm cách xoa dịu căng thẳng với Philippines và bắt đầu đàm phán trực tiếp.
Đại sứ quán Philippines tại Trung Quốc đã cảnh báo công dân nước hãy cảnh giác trước “những mối đe dọa đối với bản thân” và tránh tranh luận về chính trị ngay trước thềm PCA ra phán quyết ngày 12.7, theo AFP.
Với dân số khoảng 100 triệu người và quân đội thuộc hàng yếu nhất châu Á, Philippines từng tuyên bố luật quốc tế là “cán cân vĩ đại” giúp những quốc gia nhỏ thách thức những cường quốc mạnh hơn.
Dưới đây là 5 luận điểm Philippines đưa ra trước PCA:
1. Trung Quốc không có quyền tuyên bố “quyền lịch sử” tại những vùng lãnh hải ngoài giới hạn được định nghĩa trong UNCLOS. Philippines và Trung Quốc đều ký kết, tham gia UNCLOS.
2. Tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” (hay đường 9 đoạn) của Trung Quốc không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.
3. Các cấu trúc địa lý trên biển mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp để củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông thật sự không phải là đảo, vì thế Bắc Kinh không có quyền hợp pháp để khẳng định chủ quyền. Hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông không thể thay đổi nguyên trạng này.
4. Trung Quốc vi phạm UNCLOS vì ngăn chặn Philippines thực hiện quyền đánh bắt và thăm dò.
5. Trung Quốc hủy hoại môi trường, tàn phá rạn san hô, sử dụng những biện pháp đánh cá nguy hiểm và đánh bắt bừa bãi những sinh vật biển quý hiếm ở Biển Đông.
|
Bình luận (0)