"Tôi đã được tiêm vắc xin Covid-19", Tổng thống Maduro tươi cười nói vào ngày 6.3 và đùa rằng giờ đây ông có thể nói tiếng Nga, theo AFP.
Vào ngày 18.2, Venezuela bắt đầu tiêm vắc xin Sputnik V cho các nhân viên y tế sau khi nhận được lô hàng đầu tiên với 100.000 liều trong số 10 triệu liều mà nước này đã đặt hàng.
Bên cạnh đó, Venezuela nhận được 500.000 liều vắc xin do hãng Sinopharm của Trung Quốc sản xuất. Venezuela dự kiến sẽ bắt đầu triển khai vắc xin Trung Quốc từ ngày 8.3.
Venezuela cũng đã dự trữ ít nhất 1,4 triệu liều vắc xin AstraZeneca (Anh-Thụy Điển) thông qua chương trình Covax của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Covax được thiết kế để giúp các nước đang phát triển có được nguồn cung cấp vắc xin Covid-19 kịp thời dù các vấn đề phát sinh về thanh toán đã khiến việc giao hàng bị trì hoãn, theo AFP.
Sau cuộc bầu cử năm 2018 bị cáo buộc là gian lận, khoảng 50 quốc gia bao gồm Mỹ công nhận lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido là tổng thống, chứ không phải ông Maduro.
Do đó, Venezuela không thể tiếp cận một số quỹ của chính phủ ở nước ngoài đang bị đóng băng vì các lệnh cấm vận. Điều này gây cản trợ việc thanh toán những lô hàng vắc xin Covid-19.
Với dân số 30 triệu người, Venezuela đến nay ghi nhận hơn 141.000 ca nhiễm và 1.371 trường hợp tử vong vì Covid-19, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins.
Trong diễn biến khác, Thủ tướng Slovakia, ông Igor Matovic ngày 6.3 bác bỏ khả năng trả lại hàng triệu liều Sputnik V cho Nga, đồng thời khẳng định vắc xin Nga là hiệu quả, bất kể sự chia rẽ trong nội bộ chính phủ.
Trước đó, Tổng thống Slovakia Zuzana Caputova đả kích ông Matovic vì ông không chờ cho đến khi Liên minh châu Âu (EU) phê duyệt Sputnik V. Ngoại trưởng Ivan Korcok và hai phó thủ tướng Slovakia đồng thời chỉ trích việc Thủ tướng Matovic phê chuẩn vắc xin Nga là một sai lầm.
Slovakia trở thành quốc gia thứ 2 thuộc EU sau Hungary đã mua Sputnik V trong bối cảnh thiếu hụt vắc xin Covid-19 của hãng Pfizer, Moderna (Mỹ) và AstraZeneca vốn đã được EU phê chuẩn.
Nga đã công bố kết quả thử nghiệm cho thấy vắc xin Sputnik V có hiệu quả 91% và vẫn đang chờ được cơ quan quản lý dược phẩm EU phê chuẩn.
Bình luận (0)