Trái đất vừa tóm được một ‘mặt trăng’ mới

28/02/2020 11:18 GMT+7

Trái đất của chúng ta bằng cách nào đó đã thu hút được một "mặt trăng mini” với kích thước cỡ bằng ô tô, theo AFP dẫn lời các nhà thiên văn học vừa phát hiện về sự tồn tại của nó.

Mặt trăng mini, có đường kính từ 1,9 – 3,5m, hôm 15.2 đã lọt vào ống kính của các nhà nghiên cứu Kacper Wierzchos và Teddy Pruyne, những người tham gia Cuộc khảo sát bầu trời Catalina do Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) tài trợ, theo AFP hôm 27.2.
“TIN QUAN TRỌNG, Trái đất vừa bắt được một vật thể/nhiều khả năng là mặt trăng mini, và được gọi là 2020 CD3”, theo nhà thiên văn học Wierzchos thông báo trên Twitter.
Ông cho rằng đây là điều đáng chú ý vì 2020 CD3 là vật thể thứ hai ngoài mặt trăng được ghi nhận xoay quanh Trái đất. Vật thể đầu tiên là 2006 RH120, cũng do Cuộc khảo sát bầu trời Catalina phát hiện.
Hành trình của “mặt trăng” mới cho thấy nó đã lặng lẽ đi vào quỹ đạo quanh địa cầu cách đây 3 năm mà không gây ra bất cứ sự chú ý nào.
Trung tâm các tiểu hành tinh của Đài thiên văn vật lý học thiên thể Smithsonian thông báo không hề phát hiện sự liên hệ giữa 2020 CD3 và vật thể có nguồn gốc nhân tạo, hàm ý rằng nó nhiều khả năng là chỉ một tiểu hành tinh bị trọng lực Trái đất bắt làm "tù binh".
Tỉ phú Elon Musk cũng xác nhận “mặt trăng” mới không phải là chiếc ô tô Telsa Roadster mà ông đã phóng lên vũ trụ vào năm 2018, vì chiếc xe này đang xoay quanh mặt trời.
Theo tính toán của giới thiên văn học, 2020 CD3 sẽ không bám trụ lâu trên quỹ đạo quanh Trái đất, và có lẽ sẽ thoát được vòng kiềm tỏa của trọng lực địa cầu vào tháng 4.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.