Thoạt nhìn, vương quốc Bhutan thanh bình dường như chẳng phải là một quốc gia có cân lượng trên trường quốc tế, với dân số hơn 700.000 người và diện tích 38.394 km2. Tuy vậy, do vị trí chiến lược, đất nước trên dãy Himalaya đang nằm ở vị trí trung tâm trong cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai nước láng giềng Ấn Độ và Trung Quốc.
Tâm điểm của cuộc đối đầu này là tranh chấp lãnh thổ. Giữa Trung Quốc và Bhutan hiện có 3 khu vực tranh chấp: hai thung lũng Jakarlung và Pasamlung ở biên giới phía bắc của Bhutan và cao nguyên Doklam mà Bắc Kinh gọi là Động Lãng ở phía đông. Trong số đó, cao nguyên Doklam hiện do Bhutan kiểm soát là khu vực Trung Quốc thèm muốn nhất, và yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh tại khu vực giao nhau giữa biên giới ba nước khiến Ấn Độ cực kỳ lo ngại. Lý do là từ cao nguyên này có thể kiểm soát thung lũng Chumbi bên phía Tây Tạng và quan trọng hơn là có thể khống chế hành lang Siliguri của Ấn Độ.
Con dao kề vào yết hầu
Hành lang Siliguri là dải đất hẹp nối liền các bang đông bắc của Ấn Độ với phần còn lại của lãnh thổ, thường được ví von là “cổ gà”. Nếu kiểm soát được cao nguyên Doklam, một khi xung đột xảy ra, Trung Quốc có thể cô lập toàn bộ các bang đông bắc của Ấn Độ, bao gồm khu vực tranh chấp Arunachal Pradesh, bằng cách chặt đứt “cổ gà” Siliguri ở cách đó không xa. Chính vì vị trí chiến lược của Doklam nên vào năm 1996, Trung Quốc từng đề nghị giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Bhutan bằng cách từ bỏ chủ quyền đối với 495 km2 ở hai thung lũng Jakarlung và Pasamlung để đổi lấy 269 km2 ở cao nguyên này. May mắn cho Ấn Độ là Bhutan đã cự tuyệt đề nghị của Trung Quốc, xuất phát từ quan hệ đặc biệt giữa New Delhi và Thimphu. Đến năm 1998, Bhutan và Trung Quốc ký thỏa thuận cam kết “duy trì hòa bình và ổn định” ở khu vực biên giới hai nước dù Bắc Kinh và Thimphu cho đến nay vẫn chưa thiết lập quan hệ ngoại giao.
Trong những tuần qua, căng thẳng bùng phát tại khu vực biên giới giữa ba nước sau khi Ấn Độ và Bhutan tố cáo Trung Quốc xây một con đường dẫn từ thung lũng Chumbi sang cao nguyên Doklam. Dưới góc độ chiến lược, Ấn Độ xem con đường này như một con dao găm kề vào yết hầu của mình là hành lang Siliguri. Chính vì thế, dù không có hiệp ước phòng thủ chính thức với Bhutan, Ấn Độ đã triển khai binh sĩ ngăn chặn Trung Quốc xây đường ở cao nguyên Doklam. Đây cũng là “đầu dây mối nhợ” cho những tranh cãi gay gắt giữa Bắc Kinh và New Delhi những ngày qua. Trung Quốc bực tức khi Ấn Độ can thiệp vào vấn đề giữa nước này với Bhutan. Bản thân Bhutan lại đứng về phía Ấn Độ khi gửi công hàm tố cáo Trung Quốc vi phạm thỏa thuận hòa bình ở biên giới và yêu cầu Bắc Kinh khôi phục nguyên trạng.
|
|
Tình hình căng thẳng leo thang khi quân đội Trung Quốc từ chối cho phép người Ấn Độ hành hương đến đỉnh núi thiêng Kailash ở Tây Tạng băng qua cửa khẩu Nathu La nối bang Sikkim với khu tự trị bên phía Trung Quốc. Những hình ảnh xô đẩy giữa binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ ở biên giới cũng lan truyền trên mạng. Trung Quốc khẳng định vụ xô đẩy bắt nguồn từ việc binh sĩ Ấn Độ ngăn cản hoạt động xây đường của họ. Sau đó, lính Trung Quốc được cho là ủi sập một boong-ke cũ của Ấn Độ nằm ở khu vực giao nhau giữa biên giới ba nước để trả đũa.
Cuộc đối đầu đến nay vẫn chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo tờ The Times of India, Ấn Độ và Trung Quốc mỗi nước đã triển khai khoảng 3.000 binh sĩ đến khu vực. Ngày 29.6, Tham mưu trưởng lục quân Ấn Độ Bipin Rawat thực hiện chuyến thị sát 2 ngày ở Sikkim để theo dõi tình hình. Khi căng thẳng bùng phát vào đầu tháng, đại tướng Rawat đã tuyên bố quân đội Ấn Độ hiện sẵn sàng cho “hai cuộc chiến rưỡi”, ám chỉ về hai cuộc xung đột với Pakistan và Trung Quốc và việc xử lý những bất ổn trong nước.
tin liên quan
Ấn Độ lên án Trung Quốc xây đường gần biên giới tranh chấpẤn Độ đã lên án việc Trung Quốc xây dựng con đường mới tại khu vực biên giới Himalaya giữa hai nước, cho rằng việc mở đường như vậy gây ra “mối quan ngại an ninh nghiêm trọng”.
Cũng trong ngày 30.6, chính phủ Ấn Độ đưa ra phản ứng chính thức về vụ đối đầu, cho hay binh sĩ nước này đang phối hợp với quân đội Bhutan để ngăn cản Trung Quốc xây đường và “đơn phương thay đổi hiện trạng”. Tuy vậy, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định nước này “cam kết hợp tác với Trung Quốc để tìm giải pháp hòa bình cho mọi vấn đề ở khu vực biên giới thông qua đối thoại”.
Quan hệ đặc biệt Ấn Độ - Bhutan
Ấn Độ duy trì lợi thế với Trung Quốc ở Himalaya nhờ mối quan hệ lâu đời với Bhutan. Năm 1949, hai nước ký kết Hiệp ước Hữu nghị Ấn Độ - Bhutan, trong đó có điều khoản quy định chính phủ Bhutan sẽ chấp nhận để cho Ấn Độ vạch ra đường lối đối ngoại của họ. Đến năm 2007, hiệp ước được sửa đổi trong lúc Bhutan chuyển từ chế độ quân chủ chuyên chế sang quân chủ lập hiến và điều khoản nêu trên đã được xóa bỏ. Tuy nhiên, Ấn Độ được cho là vẫn đóng vai trò then chốt trong quá trình hoạch định chính sách đối ngoại của Bhutan ở những lĩnh vực nhạy cảm. Ngoài quan hệ ngoại giao, Ấn Độ còn là đối tác kinh tế và thương mại hàng đầu cũng như là nhà tài trợ hào phóng của Bhutan.
Trái lại, không lâu sau khi CHND Trung Hoa được thành lập, nước này đã công bố bản đồ mô tả một khu vực rộng lớn ở Bhutan như là “lãnh thổ thời tiền sử của Trung Quốc”. Năm 1960, giới lãnh đạo Trung Quốc đưa ra tuyên bố: “Người Bhutan, người Sikkim và người Ladakh hình thành một gia đình chung ở Tây Tạng. Họ luôn là dân của Tây Tạng và của tổ quốc Trung Quốc vĩ đại. Họ phải được thống nhất một lần nữa...”. (Vương quốc Sikkim tự nguyện sáp nhập vào Ấn Độ năm 1975, trở thành bang thứ 22 của nước này, còn Ladakh là khu vực thuộc bang Jammu và Kashmir ở Ấn Độ, cũng là đối tượng tranh chấp với Trung Quốc). Bhutan đã phản ứng với tuyên bố của Trung Quốc bằng cách đóng cửa biên giới và cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao kể từ đó.
|
Bình luận (0)