Khác với cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên hồi cuối tháng 9, màn tranh luận trực tiếp lần thứ hai giữa ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton không cho thấy sự “lép vế” đặc biệt của bên nào. Nhiều báo cho rằng bà Clinton tiếp tục “thắng”, nhưng cũng không ít ý kiến nói ông Trump không mắc lỗi như lần trước.
Nhưng tựu trung, màn chạm trán đêm 9.10 (giờ Mỹ) vừa qua bị đánh giá thấp về chất lượng nội dung, và ít nhiều phản ánh nỗi thất vọng năm nay: Không ứng viên nào cho thấy họ thực sự xứng đáng được chọn.
tin liên quan
Bảy pha gay cấn giữa cuộc đấu vòng 2 Trump - ClintonSức hút kỷ lục ở thời đại mạng xã hội
Ở lượt tranh luận đầu tiên, ông Trump và bà Clinton đã lập một kỷ lục với 84 triệu người theo dõi trên truyền hình Mỹ. Trong lần thứ hai này, họ tiếp tục tạo sự chú ý lớn qua mạng xã hội.
Màn so tài kéo dài 90 phút giữa ông Trump và bà Clinton trở thành cuộc tranh luận chính trị được đề cập nhiều nhất trên Twitter trong đúng 10 năm từ lúc mạng xã hội này thành lập đến nay, với 17 triệu “tweet” xuất hiện trong thời gian họ tranh luận, và gần 30 triệu “tweet” đăng tải trong ngày nhắc đến vấn đề này, theo CNET.
Ngay sau khi chứng kiến ông Trump và bà Clinton không bắt tay nhau ở phiên mở đầu buổi tranh luận, cụm hashtag #nohandshake (không bắt tay) lập tức trở thành xu hướng trên Twitter.
Trong thời đại mạng xã hội, cứ đu theo xu hướng ắt sẽ... nhiều “like”. Đó cũng là lý do giải thích về việc giáo sư, tác giả Moustafa Bayoumi sẽ càng nổi tiếng hơn nữa chỉ sau một đoạn trên Twitter, gắn thêm hashtag #debate (tranh luận): “Tôi là một người Hồi giáo, và tôi muốn báo cáo về việc một người đàn ông điên rồ đang đe dọa một người phụ nữ tại một sân khấu ở Missouri #debate”.
tin liên quan
Tranh luận trực tiếp lần 2: Ông Trump dọa bỏ tù bà ClintonDòng trạng thái của ông Moustafa Bayoumi nhận được 70.000 lượt “re-tweet” và 120.000 lượt “thích”, khác xa với những dòng trạng thái thông thường của ông với trung bình chỉ khoảng vài chục và hơn 100 người tương tác.
Xét về Twitter, ông Trump “thống trị” với việc góp tên ở 64% số lượng các dòng trạng thái vừa qua, trong lúc bà Clinton chiếm 36%, CNET dẫn báo cáo của Twitter. Trên Facebook, ông Trump còn “áp đảo” hơn về số lượng khi chiếm 74% sự hiện diện trong các cuộc thảo luận liên quan, còn bà Clinton là 24%.
Nếu lấy mạng xã hội ra đong đếm, ông Trump có vẻ thắng thế khi cụm từ ủng hộ ông #BigLeagueTruth được đề cập 108.000 lần, còn cụm ủng hộ bà Clinton #ImWithHer nhận 92.000 lần đề cập. Cụm hashtag mang thông điệp #MAGA (khiến nước Mỹ lần nữa trở nên vĩ đại) của ông Trump được đề cập 73.000 lần, còn cụm #CrookedHillary (Hillary dối trá) chống bà Clinton cũng nhận 27.000 lần.
Sự chán nản của báo chí Mỹ
Một lượng “tweet” kỷ lục trên Twitter, 48 tiếng đồng hồ dõi theo những lời lẽ khiếm nhã của ông Donald Trump về phụ nữ và một buổi tranh luận “bẩn” chưa từng thấy... đó là những nhận định của báo chí Mỹ cũng như một số tờ báo Anh về buổi tranh luận trực tiếp lần thứ hai này.
Tờ New York Daily News ngày 10.10 giật tít: Cuộc tranh luận Trump, Clinton đầy đủ yếu tố của một chương trình truyền hình thực tế xấu xí. Trong khi đó, báo The Washington Post cũng khẳng định đây là một cuộc “tranh luận đen tối”, khi ông Trump và bà Clinton cùng sử dụng 90 phút của họ cho các màn tấn công cá nhân.
Tạp chí Newsweek gọi đây là cuộc tranh luận “kinh tởm”, còn trang Politico gán cho 90 phút tại Missouri là “Cuộc tranh luận xấu xí nhất từ trước tới nay”.
|
Tại cuộc tranh luận trên, các chủ đề được bàn tới nhiều nhất đều xoay quanh những vụ bê bối của hai ứng viên Trump và Clinton, thay vì nói về các vấn đề chính sách quân sự, ngoại giao hay các vấn đề nội địa như ông John McCain và ông Barack Obama năm 2008. Trong đó, ông Trump dành thời gian chống chọi với những chỉ trích xung quanh nhận xét khiếm nhã của mình về việc sờ soạng phụ nữ, còn bà Clinton bị “tấn công” ở vụ lùm xùm email và cả vụ bê bối tình dục xấu hổ của người chồng - cựu tổng thống Bill Clinton.
Đối với truyền thông xã hội, cuộc tranh luận giữa ông Trump và bà Clinton cũng không đẹp đẽ gì. Tâm lý của người sử dụng truyền thông xã hội là một thước đo phản ứng của độc giả, khán giả, và tựu trung nó khá tiêu cực. Ông Trump nhận 74% phản ứng tiêu cực, còn bà Clinton cũng “dính” 53% trên Twitter, theo công ty quan sát truyền thông xã hội BrandWatch (Brighton, Anh).
“Nếu chúng ta có thể rút ra kết luận từ kết quả này, thì nó có nghĩa là đám đông đang phản ứng, đối với cả hai ứng viên, là sự nhớp nhúa vượt giới hạn ở mức rất cao của các hoạt động truyền thông xã hội”, CNET dẫn lời ông William Stodden, giáo sư khoa học chính trị tại Học viện khoa học Quốc gia bang Bắc Dakota.
Bình luận (0)