Xe

'Trật tự thế giới mới yêu cầu tất cả phải cùng nỗ lực'

Nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế trả lời phỏng vấn Thanh Niên về nội dung phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC ở Đà Nẵng ngày 10.11.

TS Koh Swee Lean Collin, thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore), nhận xét: “Trong bài phát biểu, Tổng thống Trump đã nhiều lần nhắc đến cụm từ “Ấn Độ - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) thể hiện một sự quan tâm đáng kể và muốn Ấn Độ mối tăng cường hợp tác với khu vực Thái Bình Dương. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ hỗ trợ Ấn Độ tiếp tục đẩy mạnh chính sách Hướng Đông. Ngoài ra, ông cũng chắc chắn không ủng hộ TPP, nhưng lại gợi ý về các hiệp định thương mại song phương làm cơ sở phát triển khái niệm “Indo-Pacific” mà ông đưa ra. Tổng thống Trump muốn tiếp cận như thế cho cả toàn bộ Thái Bình Dương chứ không chỉ Đông Nam Á. Ngoài ra, tuy ông không đề cập gì đến các vấn đề “nóng” như tranh chấp Biển Đông, nhưng lại ngụ ý rằng Mỹ sẽ gắn bó với các cam kết an ninh đối với khu vực”.

PGS Stephen Robert Nagy, chuyên ngành chính trị và quốc tế - Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế (Nhật Bản), chỉ ra một số chủ điểm quan trọng trong bài phát biểu của Tổng thống Trump: Thứ nhất, Mỹ hướng đến một hợp tác với cả khu vực “Indo-Pacific” mà Trung Quốc chỉ là một phần trong đó, “Indo-Pacific” cần đảm bảo các nền tảng về an ninh, chia sẻ các giá trị cam kết quốc tế; Thứ hai, Mỹ là đối tác lâu dài của Đông Nam Á và mối quan hệ này tiếp tục sâu rộng trong tương lai; Thứ ba là thông điệp về sự bất cân xứng trong quan hệ thương mại giữa Mỹ với Đông Nam Á, nhằm ám chỉ việc thâm hụt thương mại của nước này. Thông điệp này có thể nhằm xoa dịu dư luận trong nội bộ Mỹ.

tin liên quan

Liên kết kinh tế để phát triển
Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng chia sẻ quan điểm hợp tác tại Tuần lễ cấp cao APEC.
Về phát biểu của Chủ tịch Tập, TS Bùi Hải Đăng, Giám đốc trung tâm nghiên cứu Bắc Mỹ, ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM đánh giá: “Bài phát biểu của ông Tập Cận Bình hướng trọng tâm vào những xu thế mới trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế, nhấn mạnh nhiều lần về một “nền kinh tế mở” và vai trò của các cơ chế đối thoại đa phương trong việc tham vấn và kết nối các nền kinh tế theo một định hướng chung”.
Theo TS Đăng, việc lặp lại gần 20 lần từ “mới” xuyên suốt bài phát biểu chứng tỏ ông Tập muốn người nghe định hình một trật tự kinh tế thế giới mới đang hình thành, với nguyên tắc “thượng tôn chủ nghĩa đa phương” và “Trung Quốc là lãnh đạo thế giới về mức tăng trưởng”.
“Ông Tập xem “thế giới đa phương” là một chủ thể, và Trung Quốc là quốc gia có đủ trách nhiệm và đang đứng đầu về tăng trưởng trong trật tự đa phương đó với hai thành tựu được nhắc đến trong bài là dự án “Vành đai, Con đường” và Đại hội 19 vừa qua của Đảng Cộng sản Trung Quốc”, TS Đăng bình luận.
Nói về hàm ý, có thể hiểu Trung Quốc muốn ứng cử như một đại biểu duy nhất có đủ khả năng và trách nhiệm để lãnh đạo trật tự đa phương này, hay hiểu theo cách khiêm tốn hơn là Trung Quốc muốn góp sức vào công tác kết nối các nền kinh tế trong bối cảnh thời đại mới nhiều biến động, đều phù hợp. Đây cũng là khả năng hành văn rất khéo léo của ông Tập nhằm nhấn mạnh yếu tố Trung Quốc như một cá thể nổi bật trong trật tự đa phương mới.
Theo TS Đăng, bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump lại không vĩ mô như vậy, và cũng không hoàn toàn khác biệt với quan điểm “thượng tôn chủ nghĩa đa phương” của ông Tập. Cách tiếp cận song phương được biểu thị rõ khi Tổng thống Trump đề cập đến đặc điểm nổi bật trong nền kinh tế của từng quốc gia APEC, và xem Trung Quốc là một trong những điển hình của sự phát triển cùng với các quốc gia nhỏ hơn ở Đông Á.
Tổng thống Trump không nhấn mạnh quan điểm chống lại “chủ nghĩa đa phương”, mà khéo léo đề cao lợi ích của cách tiếp cận song phương, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và đảm bảo “công bằng thương mại”. Thế giới quan trong bài phát biểu của Tổng thống Trump có nhiều chủ thể hơn, và nước Mỹ cũng không được miêu tả như một trọng tâm duy nhất trong đó.
TS Đăng đánh giá hai bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Mỹ là hai cách tiếp cận tương hỗ cho nhau, nhưng đều cùng hướng về một trật tự thế giới mới trong đó yêu cầu tất cả các quốc gia phải cùng nỗ lực.
Cũng trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Tập nhấn mạnh vấn đề cải cách cơ cấu và phát triển kinh tế xanh. Theo TS Đăng, Trung Quốc là quốc gia thường gây nhiều quan ngại trong cộng đồng doanh nghiệp quốc tế bởi các chính sách quản lý trì trệ, bảo hộ và độc quyền trong nhiều lĩnh vực kinh tế - thương mại. Đây cũng chính là lý do mà các nước đánh giá rủi ro trong đầu tư vào Trung Quốc luôn ở mức cao, dẫn đến giới hạn nguồn vốn đổ vào.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã quyết tâm cải cách cơ cấu quản lý trên cơ sở tạo nhiều thuận lợi hơn cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài so với trước đây. Do đó, Chủ tịch Tập muốn nhấn mạnh rằng Trung Quốc hiện đã thay đổi, như một chỉ dấu để thu hút thêm đầu tư từ bên ngoài.
Ngoài ra, do tiến hành công nghiệp hóa ồ ạt, nên Trung Quốc cũng đang phải đối phó với nạn ô nhiễm môi trường – đây cũng là tác nhân khiến các nhà đầu tư lo ngại, và làm giảm sút uy tín của Trung Quốc trên các diễn đàn quốc tế về chống biến đổi khí hậu. Nhấn mạnh yếu tố bảo vệ môi trường cũng là một biện pháp để khẳng định quyết tâm của chính phủ Trung Quốc, mong muốn cải thiện hình ảnh tốt đẹp với bạn bè thế giới.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Văn Lịch, Trưởng khoa Kinh tế quốc tế, Học viện Ngoại giao nói với Thanh Niên mặc dù hiện nay chủ nghĩa bảo hộ đang có dấu hiệu nổi lên, nhưng đó là về mặt tư tưởng còn trên thực tế các nước vẫn cần đa phương.
“Sau khi vòng đàm phán Doha sụp đổ, các nước phải xoay sang đa phương, không đa phương được toàn thế giới thì phải đa phương khu vực, như FTA hay như APEC cũng là một diễn đàn hợp tác kinh tế đa phương. Nằm trong xu hướng đó, Trung Quốc muốn đóng vai trò lãnh đạo thì sẽ phải hướng tới đa phương”, PGS Lịch nói.
Theo ông, sáng kiến “Vành đai, Con đường” liên quan đến hàng chục nước nên Trung Quốc chắc chắn phải đa phương thì mới thực hiện được mục tiêu của mình. Thực tế, Trung Quốc rất muốn dẫn đầu thế giới, nhưng phải thông qua đa phương, làm chủ đa phương trước.
Về quan điểm của ông Tập liên quan đến phát triển kinh tế theo hướng bảo vệ môi trường và cải cách cơ cấu, PGS Lịch cho rằng đây là một định hướng phù hợp chung, bởi vì phát triển bền vững đã trở thành một yêu cầu không chỉ của Trung Quốc mà của cả thế giới. Trong quá trình phát triển của mình, nền kinh tế Trung Quốc cũng có nhiều vấn đề về cơ cấu kinh tế, ô nhiễm môi trường… nên định hướng đó phù hợp với yêu cầu của Trung Quốc và các nước đang phát triển.
“Đưa vấn đề cải cách cơ cấu và bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế ra hội nghị này là để các nền kinh tế APEC nỗ lực thực hiện chứ không phải để tranh luận. Tuy nhiên thực hiện được định hướng đó đến đâu lại là một vấn đề khác, cần nhiều thời gian”, PGS Lịch nhấn mạnh.
Cũng bình luận về bài phát biểu này, PGS. TS Vũ Thanh Ca, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo - Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam, nhận xét quan điểm cải cách mà ông Tập đưa ra là đúng đắn, bởi muốn phát triển thì bất cứ quốc gia nào cũng cần xây dựng một nền hành chính hiện đại, hiệu quả, thực sự bám sát những yêu cầu của người dân và xã hội, nhất là trong bối cảnh với cơ chế cũ, các nguồn lực cho tăng trưởng hiện có đã cạn kiệt.
Về vấn đề môi trường, theo TS Ca, trong những năm trước đây, Trung Quốc phát triển kinh tế với tốc độ rất nhanh, phát triển nóng, và chưa chú trọng thích đáng tới môi trường. Chính vậy, phát triển kinh tế ở Trung Quốc đã gây ra những hậu quả môi trường nghiêm trọng. Đánh giá gần đây của một nhóm các nhà khoa học Mỹ cho thấy Trung Quốc là nước có lượng rác thải nhựa ra biển lớn nhất, gần bằng tất cả các nước khác trên thế giới cộng lại.
Tuy vậy gần đây, Trung Quốc đã nhận thức rất rõ rằng không được phép hy sinh môi trường để phát triển kinh tế. Họ đã nỗ lực tìm cách áp dụng những công nghệ mới, sạch hơn, ít phát thải hơn và đầu tư rất mạnh cho xử lý rác thải, nước thải. Trung Quốc cũng đang rất nỗ lực để bảo tồn nhằm khôi phục lại môi trường và đa dạng sinh học.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.