Xe

Triển vọng quân đội chung châu Âu

Trong bài viết độc quyền cho Thanh Niên , cựu Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt ( ảnh ) phân tích về viễn cảnh ra đời một đội quân của châu Âu, độc lập với NATO.

Triển vọng quân đội chung châu Âu
Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt Ảnh: Project Syndicate
Sau thời gian dài im ắng cuộc tranh luận về việc thành lập một đội quân EU bỗng nhiên có được động lực mới từ tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng châu Âu cần có quân đội riêng để ứng phó nguy cơ từ “Nga, Trung Quốc và thậm chí cả những bước đi khó lường của Mỹ”. Dĩ nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump phản ứng quyết liệt còn Thủ tướng Đức Angela Merkel tỏ ra ủng hộ một cách thận trọng. Trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Thế chiến 1 vừa qua, ông Macron tiếp tục cho rằng “hòa bình ở châu Âu đang rất mong manh” và “chúng ta sẽ không bảo vệ được người dân nếu không có một đội quân châu Âu thực thụ”.
Trên thực tế, mục tiêu thành lập đội quân châu Âu đã có ngay sau Thế chiến 2. Tuy nhiên, chính quốc hội Pháp hồi năm 1954 đã từ chối phê chuẩn hiệp ước thành lập Cộng đồng phòng thủ châu Âu và lực lượng quân sự chung bao gồm Tây Đức, Pháp, Ý, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg. Sau đó, cơ cấu hội nhập cuối cùng dẫn tới EU của ngày nay thiên về kinh tế hơn, còn chuyện quốc phòng phụ thuộc vào NATO và Mỹ. Cho đến thời điểm này, dù đã có nhiều chuyển động hơn hướng tới thiết lập một chính sách ngoại giao, an ninh chung của EU, các thành viên chủ yếu hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển năng lực quốc phòng hơn là hoạt động quân sự thực thụ.
Tổng thống Macron đã đúng khi cho rằng môi trường chiến lược của EU ngày càng mong manh khi đang phải đối mặt với một nước Nga hùng mạnh, một Trung Quốc cứng rắn và một nước Mỹ khó lường. Washington lâu nay vẫn chỉ xem châu Âu là bàn đạp để hoạt động tại những khu vực khác và Tổng thống Trump ngày càng gây hoài nghi về cam kết bảo vệ các đồng minh châu lục. Không chỉ tuyên bố suông, Tổng thống Macron đã khởi động Sáng kiến can thiệp châu Âu nhằm thiết lập một văn hóa phòng thủ chiến lược chung. Quan trọng nhất, nhóm này sẽ bao gồm cả Anh ngay cả sau khi rời EU. Điều đó cho thấy tầm nhìn của ông Macron về một chiến lược thống nhất và tự chủ hơn của châu Âu để theo đuổi lợi ích an ninh và quốc phòng trong thế kỷ 21.
Triển vọng quân đội chung châu Âu 1
Binh sĩ Anh, Pháp, Đan Mạch tập trận chung tại Anh Ảnh: Chụp màn hình Daily Mail
Tuy vậy, ý tưởng gặp rất nhiều thách thức khó vượt qua. Dù không muốn thừa nhận nhưng Anh và Pháp rõ ràng không đủ năng lực để thay thế Mỹ làm đối trọng với Nga về vũ khí hạt nhân. Ngoài năng lực hạt nhân, Mỹ sẽ vẫn đóng vai trò trung tâm chỉ huy, kiểm soát và tình báo trong các hoạt động quân sự toàn châu lục dựa trên khuôn khổ của NATO. Một trở ngại khác là bất đồng trong nội bộ châu Âu. Đức chắc chắn sẽ yêu cầu mọi chính sách chung phải nằm trong khuôn khổ EU và được quốc hội các nước phê chuẩn. Tuy nhiên, Anh sẽ không còn nằm trong hàng ngũ của khối và sẽ nghi ngại việc để Pháp “cầm cờ”. Đó là chưa kể những thành viên phía đông châu Âu nằm sát Nga không sẵn sàng tán đồng xa rời NATO hoặc Mỹ. Cũng cần đề cập thực tế phũ phàng là mối quan tâm mới về hội nhập quân sự còn phản ánh sự xói mòn vị thế chiến lược của châu Âu vì Brexit và vì cả Tổng thống Trump.
Do đó, trong tương lai gần vẫn sẽ là quân đội Pháp hay quân đội Đức, chứ không phải là đội quân châu Âu, diễu hành tại Paris hay Berlin vào những ngày lễ lớn. Tuy nhiên, tôi cũng hy vọng các nước châu Âu trở nên quyết đoán hơn trong việc bảo vệ chủ quyền của họ và tương trợ lẫn nhau trong vấn đề an ninh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.