Trung Quốc đạt ‘bước tiến lớn’ về tầm tấn công hạt nhân

21/12/2018 20:00 GMT+7

Trung Quốc vừa thử nghiệm một loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) ở Hoàng Hải giữa lúc hải quân nước này tìm cách phát triển khả năng phản công và răn đe hạt nhân.

Một nguồn thạo tin mới đây tiết lộ với tờ South China Morning Post rằng hải quân Trung Quốc hồi tháng trước đã thử tên lửa JL-3 tại vịnh Bột Hải. JL-3 có tầm bắn khoảng 9.000 km, ngắn hơn so với tầm bắn 12.000 km của tên lửa Trident II của Mỹ và Bulava của Nga.
Tuy nhiên, nguồn tin nhấn mạnh việc thử JL-3 thành công cho thấy bước tiến đáng kể đối với quân đội Trung Quốc vì phiên bản trước JL-2 có tầm bắn chỉ 7.000 km.
“Đó vẫn là bước tiến lớn dù nó có sức công phá không bằng Trident hay Bulava, với tầm bắn có thể vươn tới bất kỳ mục tiêu nào trên thế giới”, nguồn tin nhận định và cho hay “SLBM JL có tầm bắn ngắn hơn vì quân đội Trung Quốc lâu nay không có đột phá trong việc phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân”.
Hôm 18.12, trang tin Washington Free Beacon dẫn một số nguồn tin tình báo Mỹ cho hay cuộc thử nghiệm JL-3 được tiến hành vào ngày 24.12 và tên lửa được phóng từ một tàu ngầm điện-diesel.
JL là dòng tên lửa đạn đạo liên lục địa được thiết kế cho các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân  như là một phần trong chiến lược mở rộng khả năng răn đe hạt nhân từ trên bộ đến biển của Trung Quốc.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ trên bộ của Trung Quốc hiện nay có tầm bắn 12.000 km, có thể chạm tới bất kỳ mục tiêu nào ở lục địa Mỹ trong vòng 1 giờ đồng hồ, theo South China Morning Post.
“Nếu Trung Quốc có thể cải thiện khả năng tấn công của JL-3, điều này sẽ giúp Trung Quốc có thêm sức mạnh thương lượng về các vấn đề kinh tế, quân sự và ngoại giao”, chuyên gia quân sự Lý Kiệt tại Bắc Kinh nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.