Trung Quốc liên tiếp hứng đòn trừng phạt

24/03/2021 08:00 GMT+7

Liên minh Châu Âu (EU), Anh, Canada và Mỹ hôm qua 23.3 đồng loạt công bố lệnh cấm vận đối với các quan chức và tổ chức của Trung Quốc với cáo buộc vi phạm nhân quyền tại Khu tự trị Tân Cương.

Hành động phối hợp

Những người bị EU, Anh và Canada cấm vận gồm: Bí thư Binh đoàn sản xuất và xây dựng Tân Cương (XPCC) Vương Quân Chính, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Khu ủy Tân Cương Vương Minh Sơn, Cục trưởng Cục Công an Tân Cương (XPSB) Trần Minh Quốc và cựu Bí thư Ủy ban Chính trị và pháp luật Tân Cương Chu Hải Luân.
Những cá nhân này bị cấm đi lại và đóng băng tài sản. Ngoài ra, phương Tây còn đóng băng tài sản của XPSB vì cơ quan này chịu trách nhiệm thi hành toàn bộ chính sách an ninh của XPCC.

Phương Tây, Trung Quốc "đấu" cấm vận liên quan đến Tân Cương

Nga - Trung đòi họp HĐBA LHQ

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm qua ra tuyên bố chung cho rằng Mỹ đã gây tổn hại cho hòa bình và phát triển toàn cầu trong những năm gần đây. Hai nhà ngoại giao kêu gọi Mỹ nên ngừng đơn phương bắt nạt, can thiệp vấn đề nội bộ của nước khác và ngừng xây dựng những liên minh nhỏ để tìm kiếm sự đối đầu.
Tuyên bố được đưa ra trong chuyến thăm 2 ngày của ông Lavrov tại Trung Quốc, ngay sau khi đối thoại Mỹ - Trung kết thúc. Ông Lavrov nói rằng Nga và Trung Quốc phản đối lệnh cấm vận đơn phương không chính đáng của phương Tây, theo TASS. Về phần EU, ông Lavrov cho rằng những hành động đơn phương của khối đã phá hủy mối quan hệ hai bên và Nga hiện chỉ còn quan hệ với các nước đơn lẻ của EU.
Cùng ngày, Nga và Trung Quốc kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa các thành viên thường trực để giải quyết những vấn đề chung giữa thời điểm chính trị toàn cầu ngày càng rối ren.
Bộ Tài chính Mỹ bổ sung cấm vận ông Vương Quân Chính và Trần Minh Quốc sau khi ban hành biện pháp tương tự với Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Tân Cương Trần Toàn Quốc và 5 quan chức khác, cùng XPSB và XPCC hồi tháng 7.2020.
Trong tuyên bố chung, ngoại trưởng Anh, Canada và Mỹ cho biết có nhiều bằng chứng về việc vi phạm nhân quyền tại Tân Cương, đồng thời yêu cầu Trung Quốc chấm dứt những hành động này. Đợt cấm vận được cho là chỉ mang tính biểu tượng nhưng sẽ gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ giữa châu Âu và Trung Quốc, vốn là đối tác thương mại lâu năm.
Theo Reuters, động thái này là lần đầu tiên EU cấm vận Trung Quốc vì vi phạm nhân quyền từ sau sự biến Thiên An Môn năm 1989.
Mặt khác, hành động có sự phối hợp lần này được coi là thành quả đầu tiên của nỗ lực ngoại giao dưới chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, người chủ trương hợp tác với các đồng minh để đối phó Trung Quốc. Lệnh cấm vận được tung ra ngay sau cuộc họp nảy lửa giữa các quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc tại Alaska hồi tuần trước.
Ngoại trưởng Úc và New Zealand hôm qua ra tuyên bố chung hoan nghênh lệnh cấm vận của phương Tây, theo Reuters.

Ăn miếng trả miếng

Hôm qua, Trung Quốc ngay lập tức cấm vận đáp trả 10 quan chức và 4 cơ quan, tổ chức của châu Âu với cáo buộc “gây tổn hại nghiêm trọng chủ quyền và lợi ích Trung Quốc, lan truyền thông tin sai lệch và dối trá”.
Theo Tân Hoa xã, những người bị cấm vận cùng gia đình bị cấm đến Trung Quốc, gồm cả Hồng Kông và Macao, đồng thời bị cấm giao dịch với Trung Quốc. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi EU sửa chữa sai lầm nghiêm trọng, nếu không muốn Trung Quốc có thêm phản ứng.

Trung Quốc - EU sẽ kí thỏa thuận đầu tư sau 6 năm tạm dừng

Phản ứng của Trung Quốc gây thêm chỉ trích từ châu Âu. Cao ủy EU phụ trách chính sách đối ngoại Josep Borrell lên án Trung Quốc thay vì thay đổi chính sách và giải quyết lo ngại của châu Âu, nước này lại “nhắm mắt làm ngơ” và đưa ra phản ứng “không thể chấp nhận”.
Giới quan sát nhận định hành động của Trung Quốc có thể gây thiệt hại cho Hiệp định Đầu tư toàn diện với EU, đẩy khối này xích lại gần hơn với Mỹ sau giai đoạn lạnh nhạt dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Hôm qua, nhóm nghị sĩ thuộc Liên minh Tiến bộ xã hội và dân chủ thuộc Nghị viện châu Âu tuyên bố sẽ không tham gia bất kỳ cuộc đối thoại nào về hiệp định thương mại với Trung Quốc cho đến khi Bắc Kinh dỡ bỏ biện pháp trả đũa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.