Trung Quốc muốn gì ở quần đảo Natuna phía nam Biển Đông?

17/03/2021 19:04 GMT+7

Trung Quốc tuyên bố chỉ muốn đánh bắt ở vùng biển nước này xem là ngư trường truyền thống của mình xung quanh quần đảo Natuna thuộc Indonesia, ở phía nam Biển Đông, nhưng đã có cảnh báo nguy cơ Trung Quốc chiếm Natuna.

Cơ quan an ninh hàng hải Indonesia (BAKAMLA) lâu nay cáo buộc các tàu Trung Quốc đánh bắt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này xung quanh quần đảo Natuna và đã có không ít lần đối đầu với tàu hải cảnh hộ tống tàu cá Trung Quốc ở khu vực. Tờ South China Morning Post (SCMP) chỉ ra vào tháng 12.2019, Bắc Kinh khơi mào một cuộc đối đầu trên biển nghiêm trọng với Jakarta khi hàng chục tàu cá Trung Quốc với sự hộ tống của tàu hải cảnh vào vùng biển xung quanh Natuna. Khi đó, Jakarta đã triệu tập đại sứ Trung Quốc và triển khai tàu chiến cùng chiến đấu cơ đến khu vực để ứng phó. Đến tháng sau, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố “không có sự thỏa hiệp về chủ quyền của Indonesia" và hai ngày sau đó ông đến thăm Natuna.

Chỉ muốn đánh bắt?

Dù vậy đến tháng 9.2020, một tàu hải cảnh Trung Quốc vào EEZ của Indonesia gần Natuna tới 2 ngày, buộc Jakarta gửi công hàm phản đối. Chưa hết, trong tháng 1.2021, Trưởng phát ngôn viên BAKAMLA Wisnu Pramandita khẳng định hệ thống nhận dạng tự động (AIS) của một tàu khảo sát Trung Quốc không hoạt động trong 2 lần khi đi qua vùng biển xung quanh Natuna. AIS là hệ thống theo dõi cung cấp thông tin về vị trí của tàu.
Bắc Kinh khẳng định không có tranh chấp chủ quyền với Indonesia, nhưng lại tuyên bố khu vực Jakarta xem là EEZ của Indonesia nằm trong ngư trường truyền thống của Trung Quốc, theo SCMP. Nhà nghiên cứu René Pattiradjawane tại Trung tâm The Habibie, một tổ chức nghiên cứu ở Jakarta, cho hay từ thập niên 1990, Indonesia đã yêu cầu Trung Quốc mô tả các quyền và lợi ích xung quanh Natuna nhưng không bao giờ nhận được phản hồi.
“Dù Indonesia cố gắng giới hạn những gì Trung Quốc mô tả là lợi ích biển liên quan ngư nghiệp, phía Trung Quốc chưa bao giờ cho biết về khu vực nước này tuyên bố là ngư trường truyền thống của mình”, ông Pattiradjawane khẳng định. Ông cho hay Indonesia đã rất bất ngờ khi thấy một bản đồ về hoạt động đánh bắt ở Biển Đông do Trung Quốc xuất bản hồi tháng 8.1994 cho thấy ngư trường truyền thống của Trung Quốc đến tận phía nam của Natuna, vượt qua “đường lưỡi bò”.

Tàu hải cảnh Trung Quốc trong một lần xuất hiện xung quanh quần đảo Natuna

BAKAMLA

Trong khi đó, Jakarta khẳng định không có cơ sở cho tuyên bố của Trung Quốc và cũng đã làm rõ rằng Indonesia sẽ không bao giờ công nhận tính hợp pháp của bất kỳ yêu sách dựa trên bản đồ “đường lưỡi bò” vì những yêu sách như thế không có cơ sở trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), theo SCMP.
“Yêu sách của Trung Quốc về vùng đặc quyền kinh tế dựa trên lý lẽ rằng các ngư dân của họ từng hoạt động từ lâu ở đó là không có cơ sở pháp lý và chưa bao giờ được UNCLOS công nhận”, Bộ Ngoại giao Indonesia nhấn mạnh trong thông cáo hồi tháng 1.2020. Trước đó, vào năm 2016, Tòa án trọng tài quốc tế đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc ở Biển Đông.

Lo ngại nguy cơ xung đột

Sau nhiều lần đối đầu với tàu hải cảnh ở vùng biển xung quanh Natuna, Indonesia được cho là càng lo lắng hơn khi Luật Hải cảnh của Trung Quốc cho phép Lực lượng hải cảnh nổ súng chống tàu nước ngoài có hiệu lực từ ngày 1.2. “Trước tình hình Trung Quốc ngày càng hung hăng ở Biển Đông và xem xét phản ứng từ các nước lớn có lợi ích trong khu vực và luật hải cảnh mới, thì có nguy cơ xung đột sẽ xảy ra”, SCMP ngày 5.2 trích lời trưởng BAKAMLA, Phó đô đốc Aan Kurnia.
Giới chức quốc phòng Indonesia cũng đã cảnh báo Jakarta về nguy cơ xung đột giữ tàu Indonesia và tàu Trung Quốc, và thậm chí trong viễn cảnh xấu nhất, cần chuẩn bị ứng phó nguy cơ Trung Quốc chiếm Natuna. Một báo cáo của trường sĩ quan cấp cao Indonesia SESKOAD hồi tháng 12.2020 cũng đã cảnh báo nguy cơ Trung Quốc chiếm quần đảo Natuna để thâu tóm tài nguyên dầu khí.

[VIDEO] Trung Quốc thông qua luật trao quyền hải cảnh nổ súng ở Biển Đông

Lo ngại Trung Quốc có thể ngày càng có hành vi “cưỡng ép”, Indonesia đã tăng cường năng lực ứng phó trên biển ở Natuna, theo SCMP dẫn lời học giả Indonesia Ristian Atriandi Supriyanto tại Trung tâm nghiên cứu quốc phòng và chiến lược thuộc Đại học Quốc gia Úc. Hồi tháng 1.2020, hải quân Indonesia triển khai thêm 4 tàu chiến đến Natuna, nâng tổng số tàu chiến ở quần đảo này lên 8 chiếc, theo kênh CNA dẫn lời sĩ quan Tri Rohadi thuộc hải quân Indonesia. Đến tháng 11.2020, Tham mưu trưởng hải quân Indonesia, Đô đốc Yudo Margono, cho hay sẽ chuyển tổng hành dinh lực lượng tác chiến từ Jakarta đến Natuna.
Học giả Supriyanto cho rằng Jakarta đang kiềm chế vì muốn duy trì mối quan hệ với Trung Quốc nhưng sự kiềm chế này có giới hạn. Ông nhận định Indonesia “chẳng sớm thì muộn sẽ thấy sự hợp tác quốc phòng hoặc quân sự với Mỹ là cần thiết, nếu không muốn nói là rất quan trọng, trong chiến lược răn đe và đáp trả Trung Quốc nếu Bắc Kinh dùng biện pháp ép buộc trên biển để cưỡng ép Jakarta chấp nhận đường chín đoạn (đường lưỡi bò) như là cơ sở pháp lý để mở cuộc đàm phán về phân định biên giới biển”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.