Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (tức quốc hội) Trung Quốc công bố dự thảo nói trên lần đầu tiên vào ngày 4.11, theo Đài NHK. Dự thảo nói rõ cái gọi là trách nhiệm của lực lượng hải cảnh, khẳng định lực lượng này có quyền dùng vũ lực xua đuổi các tàu nước ngoài xâm nhập cái gọi là lãnh hải Trung Quốc hoặc thẩm vấn các thuyền viên.
Dự thảo còn cho phép sử dụng vũ khí chống lại các tàu không tuân thủ những quy định về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Dự thảo được công bố trong bối cảnh tàu hải cảnh Trung Quốc gia tăng hiện diện ở Biển Đông, có những hành động phi pháp, quấy rối tàu của một số nước trong khu vực, trong đó có tàu của ngư dân Việt Nam.
Đơn cử như trường hợp Thanh Niên đã đưa tin về tàu cá có số hiệu QNg 90617 TS, công suất 420 CV, do ông Trần Hồng Thọ (33 tuổi, ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) làm chủ, xuất bến tại Trạm kiểm soát biên phòng Sa Kỳ ngày 20.3, hành nghề tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm lúc rạng sáng ngày 2.4.
“Hành động trên của tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe dọa an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân và Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ hai nước cũng như việc duy trì hoà bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh trong cuộc họp báo ngày 3.4, khi trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin tàu cá QNg 90617 TS.
Bình luận (0)