Trung Quốc rầm rộ tung phi cơ ra biển

25/12/2017 06:56 GMT+7

Trung Quốc đang cấp tập triển khai nhiều loại máy bay hoạt động trên biển để do thám và tăng cường hiện diện tại các khu vực tranh chấp.

Ngày 24.12, thủy phi cơ lớn nhất thế giới AG600 do Trung Quốc chế tạo đã có chuyến bay đầu tiên từ phi trường thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông và hạ cánh sau 1 giờ đồng hồ. “Chuyến bay đầu tiên thành công chứng minh Trung Quốc là một trong số ít quốc gia có khả năng phát triển thủy phi cơ cỡ lớn”, Tân Hoa xã dẫn lời kỹ sư trưởng Hoàng Lĩnh Tài tuyên bố.
AG600 do Tập đoàn công nghiệp hàng không (AVIC) nghiên cứu và chế tạo trong 8 năm với kích cỡ tương đương một chiếc Boeing 737, lớn hơn bất kỳ loại máy bay nào được thiết kế để cất và hạ cánh trên biển. Máy bay được trang bị 4 động cơ tua bia cánh quạt, có thể chuyên chở 50 người và bay trong suốt 12 giờ.
Giới chức tuyên bố AG600 sẽ được dùng trong các hoạt động cứu hộ và chữa cháy. Tuy nhiên, AFP dẫn lời giới quan sát cảnh báo thủy phi cơ này cũng có thể được sử dụng trên phạm vi rộng lớn, bao gồm tất cả các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của VN trên Biển Đông. Theo kỹ sư Hoàng Lĩnh Tài, AG600 có thể bay một vòng không cần tiếp liệu từ đảo Hải Nam đến bãi ngầm James, đang do Malaysia quản lý và là điểm xa nhất trong yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Chính Tân Hoa xã cũng lớn tiếng tuyên bố AG600 thể hiện “tinh thần bảo vệ biển, đảo và các rạn san hô”.
Cũng trong ngày 24.12, tờ South China Morning Post dẫn lời giới sĩ quan không quân Trung Quốc xác nhận vừa triển khai máy bay do thám Tu-154M/D diễn tập tầm xa và do thám “những tuyến bay, khu vực trước đây chưa từng bay đến”. Máy bay này được cải biến từ mẫu phi cơ dân dụng Tu-154 của Hãng Tupolev (Nga) vốn đã bị nhiều nước ngừng sử dụng sau nhiều tai nạn thảm khốc. Vào thời điểm Trung Quốc dừng hoạt động
Tu-154 năm 2002, không quân nước này tiếp nhận hơn 100 chiếc để nâng cấp và bổ sung vào phi đội do thám. Trung Quốc lắp đặt thêm các thiết bị điện tử do nước này sản xuất, đáng chú ý nhất là hệ thống radar khẩu độ tổng hợp (SAR), công nghệ cũng được dùng trên máy bay do thám P-8 Poseidon của Mỹ. SAR giúp thiết lập hình ảnh 3 chiều của các cơ sở quân sự, xe cộ, tàu thuyền, máy bay... bất kể ngày đêm và trong mọi điều kiện thời tiết.
Theo chuyên gia quân sự Antony Wong ở Macau, Trung Quốc mới đây đã dùng Tu-154M/D để vẽ bản đồ các căn cứ quân sự trên bán đảo Triều Tiên, Nhật và Đài Loan khi tuần tra ở biển Hoa Đông. Hồi tuần trước, máy bay này đã cùng nhiều chiến đấu cơ, oanh tạc cơ tiến hành tuần tra tầm xa “thường lệ” quanh Đài Loan nhằm “bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”, người phát ngôn không quân Trung Quốc Thân Tiến Khoa tuyên bố. Sau đó, Đài Loan chỉ trích hành động của đại lục “ảnh hưởng tới quan hệ xuyên eo biển”.
Mặt khác, giới chuyên gia quốc tế vẫn nghi ngờ về độ an toàn và hiệu quả của Tu-154M/D, chủ yếu do vô số vụ tai nạn liên quan đến Tu-154 khiến hơn 2.000 người thiệt mạng chỉ trong vòng 10 năm qua. Ra đời năm 1966, đây là mẫu máy bay dân dụng chủ lực của nhiều hãng hàng không Liên Xô qua nhiều thập niên. Năm 2010, chiếc Tu-154 của Không quân Ba Lan rơi gần thành phố Smolensk ở Nga khiến Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski cùng phu nhân và 94 người khác thiệt mạng. Cuối năm ngoái, Nga cũng quyết định ngưng sử dụng tất cả máy bay Tu-154, sau khi máy bay chở đoàn văn công nổi tiếng Alexandrov rơi xuống Biển Đen khiến 92 người thiệt mạng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.