Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa cảnh báo “chưa thể dự đoán hướng đi của dịch COVID-19”, hiện lan rộng ra ít nhất 29 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính đến tối qua 17.2, thế giới có tổng cộng 1.775 người tử vong bởi dịch bệnh COVID-19 do chủng mới vi rút Corona (nCoV). Trong đó có 1.770 người ở Trung Quốc đại lục, 5 ca còn lại ở Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Philippines và Pháp. Số ca nhiễm nCoV đã lên đến khoảng 71.800 trên toàn cầu.
Nâng mức phong tỏa tỉnh Hồ Bắc
Hồ Bắc với tâm dịch COVID-19 ở Vũ Hán đã nâng lệnh phong tỏa lên mức độ mới: cấm mọi hoạt động di chuyển của mọi người dân trên địa bàn tỉnh. Theo chỉ đạo mới, mọi hoạt động kinh doanh “không cần thiết” đều bị đóng cửa và 58 triệu dân ở Hồ Bắc bị cấm rời nơi ở. Không phương tiện giao thông nào lẫn khách được phép ra vào các khu dân cư, trừ phi “cần thiết”, theo Reuters.
Hồ Bắc cũng cấm xe cộ lưu thông, trừ xe cảnh sát, xe cứu thương, xe chở nhu yếu phẩm và các loại xe công vụ khác. Đồng thời, mọi hiệu thuốc đều phải ghi nhận từng đơn hàng mua thuốc cảm cúm, sốt hoặc ho, bao gồm tên thật của khách, số điện thoại, căn cước và địa chỉ. Các nhà máy và công ty cần phải nhận được giấy phép đặc biệt nếu muốn mở cửa hoạt động.
Trong ngày 17.2, Trung Quốc tiếp tục chi viện thêm 1.200 nhân viên y tế tới Vũ Hán để hỗ trợ dập dịch COVID-19. Các chuyên gia quốc tế cũng đã đến Bắc Kinh và bắt đầu nhóm họp với các đồng nghiệp Trung Quốc về vấn đề dịch bệnh.
Có thể hoãn họp quốc hội
Tân Hoa xã ngày 17.2 đưa tin Ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức quốc hội) sẽ nhóm họp vào ngày 24.2 để thảo luận về đề xuất hoãn kỳ họp quốc hội thường niên, do lo ngại dịch COVID-19.
Kỳ họp quốc hội, với khoảng 3.000 đại biểu tham dự, thường diễn ra trong ít nhất 10 ngày tại Bắc Kinh, bắt đầu từ ngày 5.3. Tương tự, kỳ họp thường niên của Hội nghị Chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp, tương đương Mặt trận Tổ quốc), thường diễn ra từ ngày 3.3 và kéo dài trong khoảng 10 ngày, cũng có thể bị hoãn.
Nhật Bản thông báo hủy lễ kỷ niệm ngày sinh lần thứ 60 của Nhật hoàng Naruhito vào ngày 23.2. Theo AFP, Malaysia cấm nhập cảnh người rời du thuyền MS Westerdam cập cảng ở Campuchia sau khi một công dân Mỹ rời du thuyền đến Kuala Lumpur (Malaysia) nhiễm nCoV.
Liên quan vụ việc, Campuchia đã lên tiếng bác bỏ thông tin Thủ tướng Hun Sen của nước này bị nhiễm nCoV sau khi tiếp xúc với người trên du thuyền MS Westerdam.
Cấp phép bán thuốc chống nCoV ra thị trường
Tờ China Daily ngày 17.2 đưa tin Cơ quan Quản lý sản phẩm y tế quốc gia Trung Quốc đã lần đầu cấp phép sản xuất thuốc Favilavir chống nCoV để bán ra thị trường. Thông tin trên được chính quyền TP.Thái Châu, tỉnh Chiết Giang xác nhận.
Favilavir, từng được gọi là Fapilavir, được chứng minh là hiệu quả trong việc điều trị nCoV trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho biết. Lô thuốc Favilavir bắt đầu được sản xuất vào ngày 16.2.
|
Thêm nghi vấn nCoV phát tán từ phòng thí nghiệm Vũ Hán
Trong báo cáo đăng trên chuyên trang nguồn mở Research Gate (Đức), các chuyên gia của Đại học Công nghệ Nam Hoa ở Quảng Châu (Trung Quốc) nghi ngờ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Vũ Hán nhiều khả năng là nguồn phát tán nCoV.
Theo họ, trung tâm này “nuôi động vật được dùng trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu”, bao gồm dơi, và “nằm chỉ cách chợ hải sản Hoa Nam 280 m” - nơi một số ca nhiễm đầu tiên được phát hiện. Ngoài ra theo nghiên cứu, loài dơi bị nghi mang theo nCoV sống ở Vân Nam hoặc Chiết Giang, cách chợ hải sản Vũ Hán đến 900 km và rất ít có khả năng dơi đã tự bay đến chợ này.
Trung tâm nghiên cứu trên cũng liền kề Bệnh viện Liên hiệp, nơi nhóm bác sĩ đầu tiên phát bệnh. Các nhân viên của trung tâm được cho là thường lấy mẫu từ dơi nghiên cứu. Viện Vi rút học Vũ Hán thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc, cách chợ Hoa Nam không xa, cũng được cho là thường tiến hành nghiên cứu như vậy.
|
Bình luận (0)