Trung Quốc tăng tốc phát triển vũ khí hạt nhân để bắt kịp Mỹ?

30/05/2018 15:27 GMT+7

Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển vũ khí hạt nhân thế hệ mới, tiến hành trung bình 5 cuộc thử nghiệm/tháng trong khi Mỹ thực hiện chưa tới một cuộc/tháng.

Cụ thể, từ tháng 9.2014-12.2017, Trung Quốc tiến hành 200 cuộc thử nghiệm trong phòng thí nghiệm nhằm mô phỏng lý tính cực đoan của một vụ nổ hạt nhân, theo tờ South China Morning Post (SCMP) vừa dẫn báo cáo từ Viện nghiên cứu công trình vật lý Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ thực hiện chỉ 50 cuộc thử nghiệm tương tự từ năm 2012-2017, tức chưa được 10 cuộc/năm, theo Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore (Mỹ).
Tuy nhiên, số lượng lớn cuộc thử nghiệm trong phòng thí nghiệm không đồng nghĩa Trung Quốc đi trước Mỹ trong việc phát triển vũ khí hạt nhân, theo Giáo sư Vương Truyện Bân thuộc Đại học Công nghệ Vũ Hán. Ông Vương cho rằng thực tế số lần thử đầu đạn hạt nhân thật của Trung Quốc thua xa so với Mỹ. Mỹ đã cho nổ hơn 1.000 đầu đạn hạt nhân kể từ năm 1945, trong khi con số này của Trung Quốc chỉ có 45, bắt đầu từ năm 1964. “Có thể là chúng ta đang gấp rút để bắt kịp”, ông Vương nhận định với SCMP.
Trong khi đó, đồng nghiệp của ông Vương là nhà nghiên cứu La Quốc Cường cho rằng Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ trong một số lĩnh vực quan trọng trong việc nghiên cứu phát triển vũ khí hạt nhân. “Một phần của xu hướng này xuất từ các đột phá về kỹ thuật và một phần nhờ sự hỗ trợ tài chính ngày càng tăng từ chính phủ”, ông La cho hay.
Giáo sư Vương lo ngại rằng nếu việc Trung Quốc tăng cường thử nghiệm hạt nhân gây ra một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới bằng cách thúc đẩy hành động đối đầu từ Mỹ, “đó sẽ là tin xấu cho tất cả mọi người”.
Trong khi đó, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CISIS, Mỹ) James Lewis cho rằng vòng mới của cuộc chay đua vũ khí hạt nhân đã bắt đầu. Nhà Trắng đang xem xét kế hoạch chi 1.200 tỉ USD để nâng cấp kho vũ khí hạt nhân Mỹ. Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo bộ này sẽ phát triển vũ khí hạt nhân mới có đương lượng nổ thấp mà có thể gắn cho tên lửa hành trình và được phóng từ tàu ngầm.
Ông Lewis cho rằng những bước phát triển đó nhằm đối phó Nga.Trong vài năm gần đây, chính phủ Nga tiết lộ hàng loạt chương trình vũ khí hạt nhân mới, trong đó có những loại vũ khí nhỏ hơn như siêu ngư lôi có khả năng san bằng thành phố ven biển.
Hồi tháng 2, không lâu sau khi Mỹ công bố chính sách hạt nhân mới, Hoàn Cầu thời báo đăng bài xã luận nói rằng Trung Quốc sẽ nghiêm túc xem xét công khai chương trình phát triển vũ khí hạt nhân có đương lượng nổ thấp để đối phó cuộc đua vũ khí hạt nhân mới. Vũ khí hạt nhân chiến thuật thế hệ mới của Trung Quốc được thiết kế cho các cuộc chiến tầm gần, chẳng hạn như phá hủy một nhóm tác chiến tàu sân bay, theo SCMP.

Giới chuyên gia cho rằng những vũ khí hạt nhân mới có khả năng được sử dụng nhiều hơn cho các nhiệm vụ chiến thuật như phá boongke dưới lòng đất mà không thải ra lượng phóng xạ lớn. Dù không thể phá hủy hoàn toàn thành phố như các quả bom hạt nhân thế hệ trước, những vũ khí hạt nhân mới vẫn có sức công phá mạnh hơn nhiều so với vũ khí quy ước, theo SCMP.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.