Trung Quốc thử nghiệm thiết bị laser theo dõi tàu ngầm ở Biển Đông

04/10/2019 06:32 GMT+7

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm ở Biển Đông một công nghệ laser có thể được sử dụng để theo dõi tàu ngầm sau này, the tờ South China Morning Post hôm nay 3.10.

Nhóm nhà nghiên cứu từ Viện nghiên cứu Quang học và Cơ giới chính xác Thượng Hải (SIOM) cho hay cuộc thử nghiệm nói trên diễn ra vào tháng 4 và kết quả được công bố trong tháng này, theo South China Morning Post (SCMP).
Nhóm SIOM khẳng định kết quả thử nghiệm cho thấy thiết bị laser có thể phát hiện được mục tiêu ở độ sâu hơn 160m, gấp đôi khả năng của các thiết bị tương tự hiện được sử dụng trên thế giới.
Họ không cung cấp chi tiết về vị trí và môi trường thiết bị laser được thử nghiệm, nhưng một bức ảnh được đưa lên website của SIOM cho thấy một chùm sáng xuất phát từ một máy bay đang bay trên các tầng mây, theo SCMP. Những cuộc thí nghiệm như thế thường được thực hiện ở độ cao 500-1.000m.
SIOM có liên quan đến Guanlan, một chương trình của Trung Quốc phát triển vệ tinh laser có thể “chiếu sáng” các mục tiêu nằm sâu 500 m dưới đại dương, vượt xa độ sâu có thể hoạt động của hầu hết các tàu ngầm, theo SCMP.

Mô phỏng vệ tinh laser phát hiện tàu ngầm của Trung Quốc

Chụp màn hình SCMP

Laser có thể được sử dụng theo dõi các vật thể mà sonar không thể phát hiện, như những tàu ngầm có động cơ cực kỳ êm lại được phủ những lớp hấp thụ âm thanh. Laser còn phát hiện được sóng tạo ra từ vật thể đang di chuyển và giám sát dao động nhiệt độ nó tạo ra trong nước.
Chuyên gia nghiên cứu về laser Tống Thành Điền thuộc Đại học Công nghệ Bắc Kinh nhận định công nghệ dưới nước thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu và giới quân sự trong nhiều thập niên qua.
“Dù đã nỗ lực rất nhiều, độ sâu vẫn là một thách thức”, ông Tống khẳng định. Một lý do là các thiết bị laser gắn trên máy bay hoặc vệ tinh thường phải nhỏ, nên khả năng hoạt động bị hạn chế. Tuy nhiên, với kết quả thử nghiệm như trên, ông Tống cho rằng nhóm nghiên cứu SIOM “có thể đã đạt được bước đột phá công nghệ quan trọng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.