Trung Quốc trước áp lực bị kiện vì Covid-19

26/04/2020 07:00 GMT+7

Trong khi chính quyền Trung Quốc liên tục tuyên bố là “nạn nhân” của Covid-19 thì nhiều tổ chức, chính quyền các nước lại khởi kiện Bắc Kinh với lý do làm bệnh dịch lây lan rộng.

Tối 24.4, tờ South China Morning Post dẫn báo cáo của Tập đoàn theo dõi tình báo SITE Intelligence (Mỹ) cho biết phòng thí nghiệm Vũ Hán (Trung Quốc) và nhiều tổ chức lớn đã bị tin tặc tấn công. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bị rò rỉ 450 địa chỉ email và mật khẩu đăng nhập của nhân viên. Ngân hàng Thế giới, tổ chức Bill & Melinda Gates Foundation, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) cũng nằm trong danh sách nạn nhân.
Mặc dù chưa xác định được nhóm tin tặc, SITE nhận định thủ phạm cố tình quấy rối và thu thập thông tin nhạy cảm về nguồn gốc Covid-19, vốn có thể gây khó khăn lớn cho Bắc Kinh.

Bị nhiều bang của Mỹ đệ đơn kiện

Trước đó, nhiều tổ chức, chính quyền đã lên án, yêu cầu Trung Quốc chịu trách nhiệm cho sự lây lan của Covid-19. Cụ thể, ngày 23.4, Mississippi trở thành tiểu bang tiếp theo ở Mỹ sau Missouri lên kế hoạch đệ đơn kiện yêu cầu Trung Quốc chịu trách nhiệm cho những thiệt hại xảy ra ở bang này.
Tờ Hoàn cầu Thời báo gay gắt gọi quyết định của hai bang trên là hành động theo “chủ nghĩa côn đồ” (nguyên văn: hooliganism). Điều này chỉ dẫn đến sự “ăn miếng trả miếng” và kéo cả thế giới vào hỗn loạn.
Trước đó, ngày 20.4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho rằng cộng đồng quốc tế cần hợp tác cùng nhau thay vì đổ lỗi hay yêu cầu bồi thường. Và vi rút có nguồn gốc khoa học nên cần tôn trọng sự thật và khoa học, đừng nên chính trị hóa vấn đề.
Tuyên bố trên được đưa ra nhằm phản đối các cáo buộc liên tiếp của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm và hậu quả nặng nề nếu cố ý để vi rút lây lan. Washington gần đây liên tục yêu cầu Bắc Kinh mở cửa cho chuyên gia Mỹ vào Vũ Hán để điều tra.
Truyền thông và giới chức Mỹ đã tung ra hàng loạt điều tra và nghiên cứu buộc tội Trung Quốc che đậy thông tin vi rút SARS-CoV-2 và hạ thấp mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Một số giả thuyết cũng cho rằng phòng thí nghiệm tại Vũ Hán đã nghiên cứu một loại vũ khí sinh học mới và vô tình để lọt ra môi trường tự nhiên.
Thượng nghị sĩ Mỹ Tom Cotton chia sẻ với kênh Fox ngày 20.4 rằng ông đang đề xuất dự luật cho phép tất cả nạn nhân của vi rút có thể kiện chính phủ Trung Quốc và áp đặt biện pháp trừng phạt với những người che đậy thông tin.
Trong khi đó, liên quan việc bang Missouri đệ đơn kiện lên tòa án liên bang yêu cầu Trung Quốc chịu trách nhiệm cho những thiệt hại xảy ra ở bang này, Tổng chưởng lý bang Eric Schmitt muốn người dân của bang được bồi thường và Trung Quốc phải ngừng tích trữ thiết bị y tế.
Trước đó, nhiều đơn kiện dân sự tập thể khác do các doanh nghiệp đứng tên đã được đệ trình ở bang Florida và Nevada. Theo cuộc thăm dò của tổ chức Redfield & Wilton Strategies (Anh) trên 1.500 cử tri Mỹ, có đến 50% người được hỏi sẵn sàng ủng hộ một vụ kiện tập thể ở bang của họ để tìm kiếm sự bồi thường từ Trung Quốc.

Nhiều cuộc điều tra nhằm vào Trung Quốc

Phản ứng của Mỹ cũng kéo theo các cuộc điều tra độc lập từ nhiều nước nhằm vào sự ứng phó chậm trễ của Trung Quốc. Lực lượng tình báo khắp thế giới được cho là đang thu thập thông tin về phòng thí nghiệm Vũ Hán và sự lây lan ban đầu của vi rút.
Tờ Daily Mail đưa tin Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi Trung Quốc cung cấp nhiều thông tin hơn về giai đoạn khởi phát đại dịch. Các lãnh đạo châu Âu khác như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hay Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đều đặt ra nghi vấn về tỷ lệ tử vong và nguồn gốc lây nhiễm ở Trung Quốc.
Tờ Bild, nhật báo hàng đầu của Đức, thì đăng tải hóa đơn trị giá 160 tỉ USD đòi Trung Quốc bồi thường cho những tổn thất về du lịch, hàng không, điện ảnh của nước này. Đính kèm với hóa đơn là lá thư gửi Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ trích Bắc Kinh giấu dịch.
Ngày 22.4, Thủ tướng Úc Scott Morrison tuyên bố kêu gọi tất cả thành viên của WHO hợp tác đẩy nhanh việc điều tra nguồn gốc SARS-CoV-2.
Trong khi đó, phía Bắc Kinh nhiều lần cho rằng những kiện tụng trên là không có giá trị và phương Tây đang chính trị hóa vấn đề.
Đòi bồi thường 4.000 tỉ USD
Theo BBC hồi đầu tháng 4, tổ chức Henry Jackson Society ở Anh đề xuất kiện Trung Quốc vì vi phạm các nguyên tắc y tế trong quá trình xử lý dịch. Tổ chức này yêu cầu Trung Quốc bồi thường 4.000 tỉ USD cho thế giới, riêng Anh phải được bồi thường 449 tỉ USD.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.