Chuyên gia thuộc Hiệp hội Khoa học gia Mỹ (FAS) đánh giá Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển lực lượng hạt nhân nhằm tìm cách chống lại điều mà Bắc Kinh có thể xem là mối đe dọa ngày càng tăng từ Mỹ, theo AP.
Ông Kristensen cho biết các hình ảnh vệ tinh thương mại mà ông có thu thập được cho thấy hồi cuối năm 2020, Bắc Kinh bắt đầu xây dựng 11 hầm chứa tên lửa (silo) dưới lòng đất tại khu diễn tập tên lửa quy mô lớn miền trung bắc Trung Quốc. Trước đó, Trung Quốc đã khởi công xây 5 silo, theo ông Kristensen.
Ông Kristensen lưu ý 16 silo mới sẽ bổ sung cho 18-20 silo mà Trung Quốc đang vận hành để chứa tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) DF-5 có thể mang đầu đạn hạt nhân.
“Ngay cả khi Trung Quốc tăng gấp đôi hoặc gấp 3 số lượng ICBM thì chỉ là một phần nhỏ so với số lượng ICBM mà Mỹ và Nga sở hữu. Mỹ có 450 silo, trong đó 400 silo đã được cải tiến. Còn Nga sở hữu khoảng 130 silo”, theo báo cáo của ông Kristensen.
Chuyên gia Kristensen cho rằng 16 silo mới có thể được thiết kế để chứa ICBM DF-41 thế hệ mới của Trung Quốc. DF-41 dùng nhiên liệu rắn giúp giảm thiểu thời chuẩn bị để phóng. Trong khi đó, DF-5 sử dụng nhiên liệu lỏng tốn nhiều thời gian chuẩn bị hơn.
DF-41 được cho là có tầm bắn tới những mục tiêu ở bang Alaska và phần lớn lục địa Mỹ. Quân đội Trung Quốc đang sở hữu 2 phiên bản tên lửa DF-41: loại có thể được phóng từ xe lửa và xe quân sự.
Các chuyên gia cho rằng Mỹ và Trung Quốc ít có khả năng đang tiến tới xung đột vũ trang thông thường hoặc hạt nhân. Tuy nhiên, báo cáo của ông Kristensen được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng trên liên quan nhiều vấn đề, từ thương mại đến an ninh quốc gia và Biển Đông.
Một lực lượng hạt nhân ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến các tính toán của Mỹ về phản ứng quân sự đối với các hành động gây hấn của Bắc Kinh, chẳng hạn như ở Đài Loan hoặc Biển Đông, theo ông Kristensen.
Lầu Năm Góc từ chối bình luận về báo cáo phân tích của ông Kristensen. Tuy nhiên, trong báo cáo thường niên về quân đội Trung Quốc năm 2020, Lầu Năm Góc lưu ý: “Chính sách vũ khí hạt nhân của Trung Quốc ưu tiên duy trì một lực lượng hạt nhân có thể sống sót sau đợt tấn công đầu tiên và đủ sức đáp trả để gây thiệt hại đáng kể cho đối thủ”. Báo cáo Lầu Năm Góc không nêu số lượng silo của Trung Quốc.
Lầu Năm Góc ước tính Trung Quốc sở hữu 200 đầu đạn hạt nhân, vẫn thấp hơn so với con số hàng ngàn của Mỹ và Nga. Báo cáo của Lầu Năm Góc dự đoán Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi kho vũ khí hạt nhân trong vòng 10 năm tới, nhưng vẫn còn ít hơn Mỹ.
Bình luận (0)