Không ai biết rõ ông Trump sẽ thật sự làm gì sau khi vào Nhà Trắng, nhưng chỉ có một quốc gia duy nhất mà ông gần như không hề chỉ trích là Nga và Tổng thống Vladimir Putin, theo tờ The New York Times ngày 16.1.
Thế giới cũng đã quá quen với những tuyên bố của ông Trump trên Twitter và không rõ liệu các tuyên bố này có thật sự là chính sách mà ông sẽ áp dụng sau ngày tuyên thệ nhậm chức 20.1 hay không.
"EU là cỗ xe cho Đức"
Trong cuộc phỏng vấn chung với tờ The Times (Anh) và Bild (Đức) ngày 15.1, ông Trump mô tả Liên minh châu Âu (EU) “cơ bản chỉ là cỗ xe cho Đức” và dự đoán EU sẽ chứng kiến nhiều quốc gia thành viên khác rời khỏi liên minh này tương tự như Anh đã làm. Ông Trump còn cho rằng Thủ tướng Đức Angela Merkel đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi cho phép người tị nạn ồ ạt đến châu Âu.
Những bình luận trên khiến nhiều lãnh đạo các nước EU bức xúc. Thủ tướng Đức Merkel và Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault đã lên tiếng "phản pháo", khẳng định EU luôn đoàn kết.
Tuy nhiên Thủ tướng Merkel được cho là có phản ứng kiềm chế trước những chỉ trích của ông Trump. “Tôi đang đợi Tổng thống đắc cử Mỹ nhậm chức. Khi đó, tất nhiên tôi sẽ làm việc với ông ta... Tôi nghĩ rằng người dân châu Âu tự quyết định số phận của mình và tôi khẳng định chúng ta luôn đoàn kết sát cánh bên nhau”, bà Merkel nhấn mạnh, đồng thời nói những quan điểm của ông Trump không có gì mới mẻ.
Còn Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault mỉa mai rằng bình luận của ông Trump chỉ khiến EU duy trì đoàn kết và giúp khối liên minh này không bao giờ quên rằng sức mạnh của người dân châu Âu nằm ở sự đoàn kết.
tin liên quan
Lãnh đạo châu Âu 'phản pháo' ông TrumpNgoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier cho rằng những phát ngôn của Tổng thống đác cử Mỹ Donald Trump về NATO đã gây lo ngại cho các nước thành viên, trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố người châu Âu tự quyết số phận của mình.
"NATO đã lỗi thời"
Trả lời phỏng vấn tờ Bild, ông Trump nói Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã lỗi thời vì được hình thành từ quá lâu, và nhiều nước thành viên không tham gia đóng góp như trách nhiệm của mình. Ông cũng cho rằng NATO không thể bảo vệ cho các thành viên khỏi chủ nghĩa khủng bố.
Mặc dù Tổng thống đắc cử Mỹ có khẳng định NATO rất quan trọng với ông, nhưng những bình luận của ông đã khiến lãnh đạo các nước NATO phải lên tiếng chỉ trích.
Trong khi đó, Nga đồng tình với phát biểu của ông Trump. Phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov ngày 16.1 cho hay chính phủ Nga hoàn toàn nhất trí với ông Trump rằng NATO “lỗi thời và thật sự chỉ còn là một di tích”, theo Sputnik. “Bởi vì NATO chỉ tập trung vào đối đầu, toàn bộ hệ thống của tổ chức này được thiết kế theo ý tưởng đối đầu và tất nhiên khó có thể được gọi là khối đồng minh hiện đại đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh, ổn định và phát triển bền vững”, ông Peskov nhấn mạnh.
Không dừng lại ở đó, Tổng thống đắc cử Trump còn so sánh sự tin tưởng của ông dành cho bà Merkel ngang bằng với ông Putin. “Tôi bắt đầu tin tưởng cả hai nhà lãnh đạo, nhưng để xem sự tin tưởng này sẽ kéo dài bao lâu, có lẽ là không lâu”, ông Trump nói.
Ông R. Nicholas Burns, một cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định những bình luận của ông Trump là sự tấn công trực tiếp nhắm vào trật tự tự do được xây dựng kể từ năm 1945 và chống lại ý tưởng cho rằng Mỹ nên lãnh đạo phương Tây. Theo ông Burns, việc ông Trump nói NATO lỗi thời, công khai ủng hộ sự tan rã của EU và đánh đồng bà Merkel với ông Putin là phá vỡ chính sách cũng như quan điểm chiến lược vốn được các lãnh đạo đảng Cộng hòa ủng hộ trong suốt 70 năm qua.
tin liên quan
Ông Trump: 'NATO lỗi thời nhưng vẫn rất quan trọng với tôi'Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gọi NATO là một tổ chức lỗi thời vì đã không bảo vệ đồng minh khỏi những vụ tấn công khủng bố, nhưng thừa nhận liên minh quân sự này vẫn rất quan trọng đối với ông.
Chọc giận Trung Quốc
Tổng thống đắc cử Trump cũng đã chọc giận Trung Quốc thông qua cuộc phỏng vấn với tờ The Wall Street Journal ngày 13.1. Trong cuộc phỏng vấn, ông Trump nhắc lại quan điểm của mình rằng không nhận thấy lý do Mỹ phải "bị ràng buộc với chính sách một Trung Quốc" trừ khi Mỹ có được thỏa thuận với Trung Quốc về các vấn đề khác, bao gồm thương mại.
Trong cuộc họp báo tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 16.1, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh bất kỳ ai đem vấn đề Đài Loan ra để mặc cả sẽ phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ chính phủ, nhân dân Trung Quốc và cộng đồng quốc tế.
Bà Hoa còn lưu ý: “Không phải tất cả mọi thứ trên thế giới đều có thể được đem ra mặc cả và trao đổi”. Cũng trong ngày 16.1, tờ China Daily cảnh báo rằng ông Trump “đang đùa với lửa” và Bắc Kinh sẽ không còn kiên nhẫn nếu ông Trump động đến vấn đề Đài Loan.
tin liên quan
Trung Quốc tự tin lợi thế kinh tế trong cuộc chiến với chính quyền TrumpTổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhiều lần tuyên bố “sẽ cứng rắn với Trung Quốc” sau khi nhậm chức. Điều này có nguy cơ dẫn đến chiến tranh thương mại giữa hai bên, nhưng Trung Quốc đã thủ sẵn “nhiều vũ khí kinh tế”.
Tuy nhiên giới quan sát nhận định những tuyên bố gây tranh cãi của ông Trump có thể được xem là một chiến thuật, với mục tiêu công khai những lựa chọn về chính sách của ông nhằm mục đích thăm dò, theo The New York Times.
Bình luận (0)