Người "quản" cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ngày ấy, bây giờ

22/12/2004 10:10 GMT+7

Hơn 30 năm về trước, tại nhà tù Phú Quốc, cùng với Đảng bộ nhà tù, chi bộ 5/3 Yên Khánh đã vượt qua nhiều khó khăn, vất vả với sự cai trị hà khắc của bọn cai ngục, nỗ lực hết mình để cắt may và bảo quản lá cờ vải Mặt trận dân tộc giải phóng khổ 14x20 cm, có sao năm cánh bằng nhựa nylon màu vàng cho đến ngày trao trả tù binh chiến tranh. Trong đó, ông Nguyễn Văn Thắm, ở thôn Phú Khánh, xã Hòa Tân Tây (huyện Tuy Hòa) đã trải qua 42 ngày đêm luyện tập để giấu lá cờ trong bụng, tránh tai mắt của kẻ kịch. Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng giọng ông vẫn hào hứng, sôi nổi khi kể cho tôi nghe về những tháng, ngày vô cùng gian khổ nhưng cũng đầy oanh liệt trong nhà lao và cả quá trình vuợt khó làm kinh tế của mình hôm nay...

Ký ức ngày chưa xa

Tham gia cách mạng vào tháng 1/1961 rồi ông Thắm được đề cử giữ chức vụ quyền Bí thư chi bộ xã Hòa Tân (vì đồng chí Bí thư chi bộ đã vừa hy sinh). Ngày 30/12/1967, tham gia một trận đánh, ông bị thương và bị địch bắt làm tù binh. Từ đó, chúng chuyển ông đi hết nhà tù này đến nhà tù khác. Từ nhà tù Ngọc Lãng, lên nhà lao khu 1, khu 2 (Pleiku) rồi địch chuyển ông vào nhà lao Biên Hòa. Cuối cùng ông và đồng đội dừng chân ở nhà tù Phú Quốc.

Tại đây, với chế độ giam giữ hà khắc, bọn Mỹ ngụy đã vi phạm công ước quốc tế về tù binh chiến tranh một cách trắng trợn, vô cùng tàn bạo. Hằng ngày, bọn chúng sử dụng các ngón đòn tra tấn dã man như dùi cui, roi điện, “đi máy bay”, “tàu ngầm”, chày vồ roi cá đuối, gậy bỏ cháo, đục răng, lấy móng tay móng chân, đóng đinh vào đầu, lấy xương bánh chè, đốt bộ hạ, chôn sống, bỏ vào thùng phi đầy nước, lấy báng súng đánh cho hộc máu mồm, máu mũi, lủng màng nhỉ... Hơn thế nữa, những ngón đòn tàn ác phi nhân tính như thời Trung cổ là: Bỏ người vào bao bố đem trụng nước sôi, nướng người trên lửa…và “hiện đại” hơn là xả súng bắn giết tù binh luôn được áp dụng. Mặt khác, từ quan cho đến lính Quân cảnh ngụy ngang nhiên ăn chặn thức ăn của tù binh nhằm mục đích làm cho người tù khốn khổ về vật chất đi kèm với nỗi đau tinh thần bị đày đọa.

Thâm độc hơn là chúng còn dùng mọi cách đánh vào phẩm chất khí tiết của tù binh, lung lạc tinh thần, dụ dỗ, lừa mị, cưỡng ép chiêu hồi các anh chị em. Chúng đặt ra trại tân sinh hoạt (thực chất là khu chiêu hồi) nhằm vô hiệu hóa người tù binh để khi trở về sẽ mang thương tật vĩnh viễn cho gia đình, xã hội, đồng đội và nhân dân không tin tưởng nữa... Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy nhà lao, các tù chính trị vẫn giữ được ý chí chiến đấu, quyết tâm giành quyền sống và bảo vệ khí tiết cách mạng. Được sự động viên của Đảng ủy và trách nhiệm của người đảng viên (Lúc bây giờ ông Thắm là Bí thư Chi bộ 5/3 Yên Khánh), nhiệm vụ đặt ra là phải làm thế nào để động viên về mặt tinh thần cho anh em, cũng là bảo toàn lực lượng và phát triển đảng viên mới trong nhà lao. Từ những ý nghĩa đấy, việc may cờ giải phóng là hết sức bức bách và cấp thiết.

Việc đầu tiên là, đưa ra phương án bằng mọi giá phải bảo quản lá cờ và giữ gìn cẩn thận. Việc này hết sức phức tạp và khó khăn. Ông Thắm kể lại: Những ngày đầu tôi lấy ít cơm tù vo tròn thành viên (bằng ngón chân cái) rồi lấy bao nylon bọc xung quanh tập nuốt nhiều lần vào bụng, để coi thử độ sâu và sự chịu đựng của ruột. Do nuốt không quen, mật xanh mật vàng cứ thể tuôn trào ra, đau cả cuống họng... nhưng riết rồi cũng quen. Sau một tuần, tôi bắt đầu lấy sợi dây mùng cột chặt vào cục cơm đã vo tròn bỏ vào và chịu đựng được 5-10, 15-20 phút rồi mới kéo ra. Cứ thế, chiến dịch “cất giấu cờ vào bụng” phải mất ròng rã suốt 42 ngày đêm luyện tập. Cuối cùng, vắt cơm giữ được khoảng vài tiếng đồng hồ. Thế là tôi bắt tay vào việc may cờ.

Ông Thắm hồi tưởng: "Nghĩ thì đơn giản như vậy, nhưng không biết kiếm vải và tìm kim, chỉ ở đâu?. Nhất là phải cất giấu tuyệt đối bí mật trước sự lùng sục trắng trợn của kẻ địch. Lúc này, tôi làm quen với một số anh em tù chính trị Nam Bộ vì họ có người thân đi thăm nuôi. Nhờ mối quan hệ này, tôi nhờ họ chuyển cho một ít vải ka-tê xanh đỏ. Việc tiếp theo nhờ anh em trong tù những lần đi tạp dịch kiếm cho ít giấy kiếng màu vàng. Kim thì dùng dây kẽm hàng rào thép gai mài riết mà thành, chỉ thì lấy dây mùng tước nhỏ. Suốt một tuần làm việc cật lực, lá cờ giải phóng có ngôi sao năm cánh, khổ 14x20 cm ra đời trong niềm hạnh phúc và vui mừng của anh em tù chính trị được tôi vo tròn gấp nhỏ, dùng chỉ mùng khâu lại, nuốt vào bụng cất giấu, mối chỉ dắt vào kẽ răng cấm, để trong bụng khoảng vài tiếng đồng hồ mỗi khi địch đánh hơi lục soát. Nhưng chúng cũng không cách nào phát hiện được mặc mặc dù thường truy xét bất ngờ và không sao hình dung nổi trong nhà tù lại có cờ giải phóng".

Từ ngày có lá cờ, lòng tin của đảng viên và quần chúng tù binh nhà lao Phú Quốc được củng cố và tin tưởng tuyệt đối vào sự tất thắng của cách mạng Việt Nam, đoàn kết một lòng đấu tranh chống giặc, giữ vững ý chí của người tù binh để đòi dân chủ, dân sinh. Nhờ có lá cờ Mặt trận giải phóng, Đảng ủy nhà lao đã tiến hành kết nạp cho 3 đảng viên là các đồng chí Đặng Đình Thông (xã Hòa Phong-huyện Tuy Hòa), Huỳnh Ngọc Anh(Lâm Đồng) và Nguyễn Tranh (Khánh Hòa). Đồng thời, kỷ niệm các ngày lễ lớn hay ngày Tết cổ truyền, lá cờ hiện diện trong niềm bất ngờ của quần chúng tù binh và anh em tù chính trị. Vì khi thấy lá cờ là họ thấy được dáng hình Tổ quốc trong đó.

Trải qua những năm tháng giam giữ và tra tấn tàn bạo của địch. 6h30 sáng ngày 24/3/1973, ông Thắm vừa nuốt lá cờ vào bụng, vừa dìu người bạn tù bị thương qua sông Thạch Hãn (Quảng Trị). Đúng 17h cùng ngày, địch trao trả tù binh. Để tố cáo tội ác mà chúng đối xử với anh em tù binh chiến tranh trước công luận quốc tế, lá cờ lại được lấy ra và anh em tù chính trị chuyền tay nhau. Sau đó, nó phấp phới tung bay trên bầu trời Quảng Trị. Hiện nay lá cờ được lưu giữ tại Viện bảo tàng Cách mạng (Hà Nội)...

Và bây giờ

Trở về từ nhà lao kẻ địch, thân thể ông Thắm gần như suy nhược do chịu quá nhiều đòn tra tấn độc ác của kẻ thù. Nhưng nỗi đau đó không lớn bằng nỗi mất mát khi trở về quê ông hay tin bố mẹ mình qua đời. Thắp nén nhang cho đấng sinh thành, ông bắt đầu vừa đi học, vừa lao vào làm việc. Sau khi hoàn thành lớp học ở trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, tháng 10/1975 ông được điều về làm Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tân. Tháng 1/1979 trở thành Phó giám đốc trường Đảng của huyện, thị xã Tuy Hòa rồi làm Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Tuy Hòa. Dù ở cương vị nào ông vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, thể hiện bản lĩnh chính trị và phẩm chất của người đảng viên, người tù chính trị kiên trung trong thời kỳ xây dựng. Thời đó, lương ba cọc, ba đồng, cuộc sống của hai vợ chồng ông hết sức khó khăn. Vợ ông, bà Nguyễn Thi Soi(cũng là tù chính trị ở nhà lao Chiến khu) cảm thông, chia sẻ nên đảm đương và cáng đáng việc nhà để ông toàn tâm, toàn ý dành thời gian cho công tác.

Năm 1989 ông nghỉ hưu. Trở về địa phương, bản lĩnh của người từng đi qua chiến tranh yêu nước đã thôi thúc ông làm kinh tế. Mặc dù cùng với thời gian, sức khỏe ngày một yếu đi, những bước chân bị thương ngày càng nặng nề mỗi khi di chuyển. Ý chí lập nghiệp không ngừng cháy mãi trong con tim của đôi bạn tù chính trị năm nào. Chịu khó làm ăn thì mới mong có thu nhập để nuôi 4 đứa con ăn học thành người. Cái gánh nặng gia đình ấy đối với hai vợ chồng cán bộ công nhân viên chức có việc làm và thu nhập ổn định đã là khó khăn và cũng chẳng dễ dàng gì, huống hồ chi là đôi bạn tù nay đau, mai ốm mà lo cho 4 con lần lượt vào đại học.

“Con cái chính là tương lai của mình” - ông Sáu Thắm không giấu niềm hãnh diện, tự hào khi nói về con cái. Chính vì vậy mà những ngày đó, trên trang trại 2 hécta ở núi Một, bà con làng xóm đã quá quen với hình ảnh, vợ chồng ông quần quật suốt ngày bám rẫy để trồng đu đủ, dứa, chuối... và kết hợp chăn nuôi heo, nuôi gà.

Bà Soi, vợ ông tâm sự: "Ngày đó, chúng tôi vất vả lắm! Gia đình hai bên đều nghèo, không thể nhờ vả gì được nên hai vợ chồng lập nghiệp từ hai bàn tay trắng. Tôi sinh con, nhưng ổng ở nhà chỉ được vài ngày rồi lại đi. Sau khi sinh hơn 3 ngày là tôi phải lo bằm rau, bằm chuối, nấu cháo cho heo, cho gà ăn. Hằng tháng, thu nhập từ kinh tế vườn đồi và chăn nuôi khoảng 3-4 triệu đồng, có cái mà trang trải chi tiêu trong cuộc sống và lo cho con. Được cái các cháu cũng “ngon”, đứa nào cũng chịu thương chịu khó, và học giỏi". Hiện nay, hai cô con gái đầu của ông Thắm đều đã tốt nghiệp đại học và đi làm, cô thứ 3 thì vừa mới tốt nghiệp Cao đẳng kiểm sát đang chờ xin việc. Còn cậu trai út đang là sinh viên năm 2 trường Đại học Cảnh sát nhân dân.

Hiện nay ông là Trưởng ban Liên lạc tù chính trị xã Hòa Tân Tây. Công việc chăm lo, giáo dục thế hệ trẻ luôn được ông quan tâm. Những đợt tuyển thanh niên lên đường làm nghĩa vụ quân sự, không bao giờ vắng mặt ông Sáu Thắm cả. Những lời động viên an ủi về tinh thần, những món quà tuy nhỏ về vật chất nhưng đã tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ trẻ viết tiếp trang sử hào hùng mà thế hệ trước đã viết.

Chiến tranh đã lùi xa. Người cất giữ cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ngày ấy nay tuy tuổi cao, sức yếu nhưng ông vẫn nhiệt tình, tích cực và gương mẫu tham gia công tác ở địa phương... Trong căn nhà cấp 4, bao bởi tre làng và những cánh đồng xanh mướt. Không có gì vui hơn, hạnh phúc hơn đối với họ là 4 người con trưởng thành. Ở đó, vào ngày lễ, tết, con cháu tề tựu đông đủ, quây quần bên nhau trông thật đầm ấm và hạnh phúc.

Thanh Tuyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.