Xe

Từ tuyên bố lập trường của Mỹ đến đồng thuận quốc tế về Biển Đông

16/07/2020 17:30 GMT+7

PGS. TS Vũ Thanh Ca, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu biển và Hải đảo, trả lời Thanh Niên liên quan tuyên bố “lập trường của Mỹ về các yêu sách biển tại Biển Đông”.

Trong tuyên bố “lập trường của Mỹ về các yêu sách biển tại Biển Đông” được đưa ra ngày 14.7, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh các yêu sách của Trung Quốc đối với nguồn tài nguyên ngoài khơi Biển Đông, cũng như việc Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự của mình để kiểm soát các nguồn tài nguyên trên Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp.
Theo PGS. TS Vũ Thanh Ca, Trung Quốc ngày càng tỏ ra là một quốc gia lợi dụng sức mạnh của mình để xâm phạm lãnh thổ và biển của các nước láng giềng. Đặc biệt trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã liên tục có những hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế nghiêm trọng trên Biển Đông như tuyên bố về “quyền lịch sử” trong phạm vi đường lưỡi bò, xây dựng các đảo nhân tạo, phớt lờ Phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế thành lập theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), xâm phạm, khảo sát, thăm dò tài nguyên trái phép trong vùng biển các nước xung quanh Biển Đông như Việt Nam, Malaysia, Philippines.

Chính sách nhất quán của Mỹ

 

PGS. TS Vũ Thanh Ca

       
Về phần mình, Mỹ nhận thấy các hành động của Trung Quốc đe dọa quyền lợi của Mỹ trong khu vực. Và chính sách của Mỹ với Trung Quốc ở Biển Đông khá nhất quán, luôn phản đối bất kỳ quốc gia nào vi phạm luật pháp quốc tế để độc chiếm Biển Đông. Mỹ đã nhiều lần khẳng định có lợi ích trong việc duy trì tự do hàng hải, hàng không, hòa bình, ổn định ở Biển Đông, kêu gọi các nước giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Trong những năm gần đây, trước các bước leo thang vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc, Mỹ cũng tăng cường phê phán và lên án Trung Quốc như lên án hành động đe dọa, cưỡng bức và dùng vũ lực của hải quân, cảnh sát biển, tàu cá hay máy bay quân sự và dân sự Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông; thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Hoa Đông, kêu gọi ASEAN và Trung Quốc sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC). Trong các trao đổi riêng, trên các diễn đàn quốc tế và khu vực, Mỹ đã liên tục phản đối các hành động đơn phương, sử dụng sức mạnh để thay đổi nguyên trạng, áp đặt yêu sách chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, DOC. Mỹ cũng tiến hành các hoạt động tự do hàng hải thách thức những tuyên bố chủ quyền trái phép của Trung Quốc.
Do đó, theo ông Ca, thực chất của tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ lần này chỉ là tổng hợp và tiếp nối những tuyên bố trước đó của Mỹ về Trung Quốc ở Biển Đông.

Tạo đồng thuận quốc tế gây sức ép với Trung Quốc

PGS. TS Vũ Thanh Ca lưu ý các tranh chấp trên Biển Đông bao gồm tranh chấp đảo (vùng lãnh thổ) và tranh chấp biển. Việc tranh chấp lãnh thổ hiện nay chưa được giải quyết thông qua tòa án quốc tế nên Mỹ chủ trương trung lập đối với vấn đề này. Tuy nhiên, tranh chấp biển về cơ bản đã được giải quyết theo phán quyết của PCA. Tuyên bố của Mỹ chủ yếu dựa trên phán quyết này, UNCLOS và các văn bản luật pháp quốc tế khác nên có giá trị pháp lý rất cao. "Tuyên bố của Mỹ sẽ có tác động rất lớn theo hướng có lợi tới Việt Nam và các quốc gia xung quanh Biển Đông khác trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích quốc gia trên Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế", theo ông Ca.
Có thể thấy rằng ngay sau Tuyên bố của Mỹ về Biển Đông, Bộ Quốc phòng Philippines đã ngay lập tức ra tuyên bố ủng hộ. Ngoài ra, Nhật cũng đã ra tuyên bố ủng hộ Tuyên bố của Mỹ. Chắc chắn trong thời gian tới sẽ có nhiều nước khác, nhất là các cường quốc, ra tuyên bố ủng hộ Tuyên bố của Mỹ. Sự đồng thuận quốc tế này sẽ tạo ra những sức ép lớn với Trung Quốc, buộc Trung Quốc sẽ phải dè chừng hơn, thậm chí phải tính toán rất kỹ trước khi xâm phạm vùng biển, cưỡng ép, bắt nạt các nước khác.
Tuy vậy, ông Ca cho rằng trong ngắn hạn Trung Quốc có thể sẽ có những tuyên bố, động thái làm gia tăng căng thẳng, thậm chí đe dọa chiến tranh trên Biển Đông. Hành động này của Trung Quốc chỉ là nhất thời vì với những thiệt hại trong đại dịch Covid 19 cùng những đòn trừng phạt của Mỹ, sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế và phản đối của các nước xung quanh Biển Đông đối với những sai trái của Trung Quốc, về lâu dài rất có khả năng Trung Quốc sẽ phải có những bước xuống thang, ít nhất về mặt chiến thuật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.