20.8.2020

Sau 5 thập niên tham gia chính trường, đây có lẽ là bài phát biểu quan trọng nhất của ông Joe Biden.

“Với niềm vinh dự to lớn, tôi xin chấp nhận được giới thiệu ra tranh cử chức vụ tổng thống Mỹ… Dù tôi sẽ là ứng cử viên của đảng Dân chủ, nhưng tôi sẽ là một tổng thống của nước Mỹ", ông lên tiếng từ tiểu bang quê hương Delaware, chính thức trở thành người thách thức đương kim Tổng thống Donald Trump tại cuộc bầu cử tháng 11.

Bài diễn văn đánh dấu cú lội ngược dòng ngoạn mục giúp nhà chính trị gia lão làng vượt lên trên nhiều đối thủ cùng đảng, sau một màn “thi đấu" kém cỏi suýt nữa đã khiến chiến dịch tranh cử của ông “trật đường ray".

Dù khởi đầu chiến dịch tranh cử của ông không hề tệ.

25.4.2019

Sau rất nhiều đồn đoán và chờ đợi, ông Biden chính thức thông báo chiến dịch tranh cử tổng thống của mình - lần thứ 3 trong sự nghiệp chính trị của ông.

Trong bài nói chuyện, ông gọi cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 là "trận chiến dành lại linh hồn" của nước Mỹ.

“Các giá trị cốt lõi của nước ta, vị thế của chúng ta trên thế giới, nền dân chủ của chúng ta, tất cả những điều đã giúp nước Mỹ trở thành nước Mỹ, hiện đang gặp nguy hiểm” - Ông Biden nói về động lực thúc đẩy cho quyết định của mình.

Chỉ 24 giờ sau, chiến dịch tranh cử của ông quyên được 6,3 triệu USD, cao hơn tổng số tiền vận động của tất cả các ứng cử viên khác. Cho đến cuối năm 2019, cựu phó tổng thống Mỹ luôn ở vị trí dẫn đầu trong cuộc đua giành đề cử trong nội bộ đảng Dân chủ. Ông cùng ứng cử viên Bernie Sanders được xem là những người có nhiều khả năng đánh bại Tổng thống Trump nhất.

Cũng có vài trắc trở - ông Biden bị chỉ trích vì làm chính trị quá lâu năm, bị đảng Cộng hòa soi mói về những giao dịch của con trai ông tại Ukraine. Nhưng nhìn chung, đường chạy của ông vẫn thuận buồm xuôi gió.

Cho đến cuộc bầu cử sơ bộ.

3.2.2020

Dù không trông đợi nhiều tại bang Iowa, nhưng vị trí thứ 4 trong kết quả bầu cử sơ bộ tại đây là đòn nặng giáng vào chiến dịch tranh cử của ông Biden.

“Tôi sẽ không nói giảm nói tránh gì đâu. Chúng tôi bị một cú đấm mạnh ở Iowa"- Ông Biden nói trong buổi vận động tranh cử vài ngày sau đó tại New Hampshire.

11.2.2020

Ở New Hampshire không còn là “cú đấm" mà là cả một thảm họa với vị chính trị gia lão làng. Ông chỉ xếp thứ 5, và báo chí bắt đầu nghi ngờ vị thế ứng cử viên nặng ký của ông.

Nhưng ông Biden vẫn cứng cỏi, đưa ra lời hứa trước người ủng hộ: “Chúng tôi sẽ bước tiếp, và sẽ chiến thắng ở Nevada và South Carolina”.

22.2.2020

Nevada vẫn chưa mỉm cười với ông. Chiến thắng về tay nghị sĩ Bernie Sanders, người mà vào thời điểm này đã trở thành kẻ dẫn đầu cuộc đua giành đề cử của đảng Dân chủ.

Tuy nhiên, ông Biden xem vị trí thứ 2 trong bầu cử sơ bộ tại Nevada là dấu hiệu cho thấy ông đã trở lại để nhắm đến chiến thắng trong cuộc đấu kế tiếp tại bang South Carolina.

29.2.2020

Chiến thắng bầu cử sơ bộ đầu tiên cho vị cựu phó tổng thống. Ông “bỏ túi" toàn bộ 46 hạt tại bang South Carolina, chiếm được 48,7% phiếu bầu phổ thông và giành 36 đại biểu.

Không thể không nhắc đến 2 sự kiện quan trọng đóng góp rất lớn cho chiến thắng này. Trước hết là cuộc tranh luận giữa 7 ứng cử viên đảng Dân chủ hôm 25.2, nơi ông đã thể hiện rất thuyết phục đúng vào thời điểm khó khăn nhất. Và ngày 26.2, Hạ nghị sĩ da màu Jim Clyburn, một trong những nhân vật chính trị có nhiều ảnh hưởng nhất bang South Carolina, chính thức ủng hộ ông Biden tranh cử.

Gió đã đổi chiều ngay trước ngày bầu cử sơ bộ quan trọng nhất - “Siêu thứ Ba", và với ông Biden, chỉ có một con đường:

“Chúng ta có một lựa chọn - hoặc thắng đậm hoặc thua đậm. Lựa chọn là vậy thôi”.

Hai ứng cử viên Dân chủ rút khỏi cuộc đua, Pete Buttigieg and Amy Klobuchar, đã tuyên bố ủng hộ ông Biden.

3.3.2020

“Người ta gọi là Siêu thứ Ba đâu phải là không có lý do", ông Biden hào hứng sau kết quả “đại thắng", dẫn đầu tại 10 tiểu bang, giành được hàng trăm đại biểu, qua đó giúp chiến dịch tranh cử của mình hồi sinh ngoạn mục.

Cuộc đua nội đảng Dân chủ giờ chỉ còn lại 2 đối thủ nổi bật là ông Biden và ông Sanders. Nhưng lúc này, lợi thế đã nghiêng về nhà chính trị cựu trào, khi Siêu thứ Ba cho thấy ông đã giành được sự ủng hộ của cử tri da màu và cử trị ngoại ô. Chiến dịch lấy lại sức sống mạnh mẽ, còn ông Biden lạc quan:

“Người ta từng nói là chúng tôi chỉ đến được Siêu thứ Ba rồi là hết chuyện. Ừ thì có thể với ứng cử viên kia thì đã hết chuyện”

Chiến thắng thuyết phục của vị cựu phó tổng thống cũng dẫn đến việc có thêm ứng cử viên Dân chủ rút khỏi đường đua, bao gồm tỉ phú Michael Bloomberg và nghị sĩ Elizabeth Warren. Tỉ phú Bloomberg đã ủng hộ ông Biden ngay ngày 4.3.

10.3.2020

Ông Biden xây chắc thêm ngôi đầu của mình với chiến thắng tại một số bang nữa, trong đó những tiểu bang mà ứng cử viên Sanders đã kỳ vọng sẽ chiếm ưu thế. Kết quả này cũng xác nhận khối “liên minh” ủng hộ ông Biden bao gồm cử tri da màu, cử tri nữ, cử tri lớn tuổi và cử tri da trắng có trình độ đại học, cao đẳng.

Trong lúc đó, thất bại dường như đã rõ ràng hơn với ứng cử viên Sanders, đến mức có thể xem những phát biểu của ông Biden tại Philadelphia như một lời an ủi gửi đến đối thủ:

“Tôi muốn cảm ơn ông Bernie Sanders và những người ủng hộ vì năng lượng và nhiệt huyết không biết đến mỏi mệt của họ… Chúng ta có cùng mục tiêu. Cùng nhau ta sẽ đánh bại Donald Trump”.

15.3.2020

Hai tay đua còn lại trong cuộc đua nội đảng Dân chủ tham gia thêm một buổi tranh luận - đứng cách nhau 2 m trước khán đài trống không khán giả vì đại dịch Covid-19. Ông Biden sau đó giành thêm chiến thắng bầu cử sơ bộ ở một số bang nữa, gần như cắt đường tiến của đối thủ.

8.4.2020

Ông Sanders ngừng chiến dịch tranh cử của mình, và ông Biden được xem là ứng cử viên tổng thống đại diện cho đảng Dân chủ. Đến ngày 13.4, chính “cựu đối thủ” Sanders tuyên bố ủng hộ cựu phó tổng thống và kêu gọi mọi cử tri, dù theo đảng Dân chủ, đảng Cộng hòa hay cử tri độc lập, cần ủng hộ cho ông Biden để đánh bại “tổng thống nguy hiểm nhất trong lịch sử Mỹ”.

Trong những tháng sau đó, ông Biden hầu như không thể thực hiện các chuyến đi vận động tranh cử do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Các nỗ lực thu hút cử tri của ông chủ yếu xuất hiện trên các phương tiện truyền thông mới, mạng xã hội.

Tuy nhiên, đến ngày 9.6, ông đã có đủ số đại biểu cần thiết để được đảng Dân chủ đề cử ra tranh cử tổng thống.

11.8.2020

Ông Biden công bố đã chọn nữ nghị sĩ Kamala Harris tham gia liên danh tranh cử của mình, đánh dấu lần đầu tiên có một ứng cử viên phó tổng thống của một chính đảng lớn là người Mỹ gốc Phi và gốc Nam Á.

“Joe Biden có thể đoàn kết người dân Mỹ vì ông đã dành cả đời đấu tranh cho chúng ta. Và khi là tổng thống, ông sẽ xây dựng một nước Mỹ xứng đáng với lý tưởng của chúng ta.” - Kamala Harris

Đây có vẻ là một lựa chọn rất được lòng cử tri và cả nhà tài trợ, khi chỉ trong 48 giờ sau khi công bố, chiến dịch tranh cử của ông Biden đã được quyên góp được thêm 48 triệu USD

18.8.2020-19.8.2020

Ông Biden chính thức được đề cử tại Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ 2020, trở thành ứng cử viên của đảng này trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020.

Đại hội quan trọng này năm nay được tổ chức trực tuyến giữa lúc đại dịch Covid-19 đã khiến hơn 170.000 người Mỹ thiệt mạng.

Trong 4 đêm diễn ra đại hội, rất nhiều gương mặt đại diện cho cả đảng Dân chủ lẫn những thành viên đảng Cộng hòa bất mãn đã lên tiếng kêu gọi ủng hộ ông Biden và chỉ trích Tổng thống Trump. Nhờ vậy, liên danh Biden - Harris có không gian để vạch ra tầm nhìn đầy hoài bão cho nước Mỹ cho giai đoạn “hậu Trump”.

20.8.2020

“Tôi xin hứa, nếu được tin cậy giao cho trọng trách làm tổng thống, tôi sẽ phát huy những điều tốt đẹp nhất của chúng ta, chứ không phải những điều xấu xa nhất”, ông Biden nói trong diễn văn chính thức nhận đề cử của đảng Dân chủ tại phiên kết thúc của Đại hội đảng Dân chủ.

Lên án Tổng thống Trump đã để nước Mỹ “chìm trong bóng tối” quá lâu, với “quá nhiều giận dữ, quá nhiều sợ hãi, quá nhiều chia rẽ”, ông Biden hứa hẹn “một con đường của ánh sáng và hy vọng”.

Ông cũng không quên kêu gọi người dân đi bỏ phiếu trong cuộc “bầu cử đổi đời” sắp tới, sự kiện “sẽ quyết định hình hài nước Mỹ trong suốt thời gian dài sắp tới”.

Cuộc đua vẫn tiếp diễn…

Theo chuyên trang dữ liệu chính trị FiveThirtyEight, trong số các ứng cử viên đảng Dân chủ, ông Bidden là người nhận được được ủng hộ bởi nhiều nhân vật chủ chốt của đảng này nhất. Có 12 ứng cử viên sau khi rút khỏi cuộc đua đã ủng hộ ông. Vào ngày 14.4, sau khi chỉ còn ông Biden là ứng cử viên chính ra tranh cử cho đảng Dân chủ, cựu Tổng thống Barack Obama đã lên tiếng ủng hộ người từng là “phó tướng” của mình. Nối tiếp ông Obama là Lãnh đạo Hạ viện Nancy Pelosi (27.4) và cựu ứng cử viên tranh cử tổng thống 2016 Hillary Clinton (28.4).

Ngày 20.8, một nhóm gồm 70 cựu viên chức an ninh quốc gia cấp cao thuộc đảng Cộng hòa thông báo sẽ bỏ phiếu cho ông Biden, với lý do ông Trump “không phù hợp để dẫn dắt trong một cuộc khủng hoảng toàn quốc”.

Nhiều cuộc thăm dò dư luận trong tháng 7 và 8 cho thấy đương kim Tổng thống Trump tụt lại so với đối thủ Biden.

Dường như ông Biden đã trở lại với hình ảnh của chính mình khi khởi đầu đường đua: trong vai trò “ngọn cờ đầu” của đảng Dân chủ chống lại đương kim Tổng thống Trump trong một cuộc bầu cử khó đoán định kết quả.

Báo Thanh Niên
24.08.2020

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.