Trang Defense News dẫn lời ông Hyten cho rằng đã đến lúc quân đội Mỹ dừng nghiên cứu các giải pháp tiềm năng trên không gian mà nên tiến hành thử nghiệm trên quỹ đạo.
Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, trụ sở Washington D.C) vào ngày 17.1, ông tỏ ra bức xúc với năng lực của quân đội Mỹ trên không gian khi mất nhiều năm tập trung vào việc thiết kế các hệ thống linh hoạt, chi phí thấp nhằm tạo nên “lớp cảm biến trên không gian” do Cơ quan Phòng vệ tên lửa Mỹ (MDA) thực hiện.
MDA muốn tạo một lớp cảm biến gồm hệ thống các vệ tinh trên quỹ đạo tầm thấp nhằm quan sát các hoạt động ở mặt đất và theo dõi mối đe dọa từ vũ khí bội siêu thanh.
“Hãy đặt các cảm biến lên một số vệ tinh, bay với chi phí thấp và nhanh xem chúng có thể làm gì, sau đó hình dung ra những gì cần thiết để chế tạo thực sự”, ông nhấn mạnh.
Theo ông, các hệ thống trên quỹ đạo tầm thấp và tầm trung là “cách duy nhất để có năng lực toàn cầu đủ khả năng răn đe” mối đe dọa từ vũ khí bội siêu thanh.
Bên cạnh đó, tờ The Nation dẫn lời tướng Hyten cho biết Mỹ đang vướng vào cuộc cạnh tranh với các nước khác về vũ khí bội siêu thanh.
|
“Chúng ta từng dẫn đầu cách đây 10 năm. Chúng ta từng có 2 chương trình, 2 nguyên mẫu. Chúng hoạt động không hiệu quả lắm”, ông nói và chỉ trích việc mất quá nhiều thời gian vào việc nghiên cứu nguyên nhân trước khi hủy các dự án.
Mỹ luôn nỗ lực chế tạo vũ khí bội siêu thanh và bắt đầu phát triển loại vũ khí phóng từ máy bay có tên ARRW (loại thiết bị bay mang đầu đạn bay với vận tốc gấp 20 lần vận tốc âm thanh, khoảng 25.000 km/giờ) vào năm 2018, đồng thời nghiên cứu tên lửa hành trình bội siêu thanh tầm xa mang tên HCSW cho không quân. Hai dự án có tổng giá trị lên đến gần 1,5 tỉ USD.
Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận rằng Mỹ đang phát triển tên lửa bội siêu thanh và nhấn mạnh rằng Mỹ muốn sở hữu các tên lửa “to, mạnh, chính xác, chết người và có tốc độ nhanh”.
Về phía Nga, vào cuối tháng 12.2019, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu báo cáo với Tổng thống Putin rằng tên lửa bội siêu thanh Avangard đầu tiên đã chính thức vào biên chế quân đội Nga.
Bình luận (0)