"Năng lực của Hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ thuộc phân khúc châu Âu rất hạn chế và hiện không thể gây ảnh hưởng lớn đến khả năng chiến đấu của các lực lượng tên lửa chiến lược Nga (RSMF)", tướng Karakayev phát biểu với báo giới, theo TASS ngày 10.5.
Chạy đua với Mỹ
Ông Karakayev cũng cho biết Nga đang tích cực hoàn thiện các phương tiện vũ khí, khí tài để vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. "Điều này là do thực tế Mỹ đã không ngủ quên trên vòng nguyệt quế và tiếp tục cải thiện hệ thống phòng thủ tên lửa của mình, bao gồm cả việc triển khai ở châu Âu. Do đó, trong quá trình phát triển các hệ thống tên lửa mới, Nga đặc biệt chú trọng đến vấn đề khắc chế hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ", ông nói.
Theo ông, các khả năng của tên lửa đạn đạo Nga được tăng cao là nhờ giảm được tiêu hao năng lượng ở block tăng tốc, đồng thời nhờ vào các dạng đầu đạn hạt nhân mới với đường bay khó dự đoán và dựa vào các phương tiện thông tin điện tử mới để vượt qua lá chắn tên lửa.
Ông cũng lưu ý rằng các tên lửa xuyên lục địa tương lai của Nga có thể đưa đầu đạn tới mục tiêu theo đường đạn đạo tối ưu về tiết kiệm năng lượng và tấn công từ nhiều hướng khác nhau, vì vậy đối phương buộc phải thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa hình vòng tròn.
Các loại tổ hợp tên lửa đạn đạo liên lục địa mới của Nga được thiết kế đặc biệt nhằm mục đích khắc phục hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, tướng Karakayev cho biết.
RSMF sẽ giảm kho vũ khí vào năm 2021?
Các hệ thống bệ phóng di động trên mặt đất trang bị tên lửa đạn đạo liên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn RS-24 Yars (NATO gọi là SS-27 Mod 2) có khả năng mang nhiều đầu đạn, vào năm 2021 sẽ bù đắp việc giảm số lượng các nhóm tên lửa chiến lược cơ động của RSMF, thượng tướng Karakayev cho biết.
"Các nhóm cơ động căn bản của Lực lượng sẽ là phức hợp tên lửa Yars. Theo kế hoạch tái cấu trúc vũ trang RSMF, đến năm 2021 loại tên lửa này sẽ thay thế, loại bỏ loại tên lửa di động mặt đất Topol sẽ lỗi thời ở thời điểm đó", ông nói.
Theo lời tướng Karakayev, một số lượng lớn các phiên bản của hệ thống mới Yars kết hợp với việc lắp đặt các thiết bị điện tử hiện đại sẽ tăng cường khả năng xuyên thủng lá chắn, dù rằng lá chắn ấy cũng sẽ được cải tiến, hoàn thiện.
|
Về hệ thống tên lửa Yars
"Đến cuối năm 2021 hệ thống phức hợp tên lửa Yars sẽ chiếm 50% sức mạnh chiến đấu của toàn bộ lực lượng tên lửa chiến lược Nga", tướng Karakayev nói.
Trước đó, thượng tướng Viktor Yesin, phó chỉ huy trưởng RSMF từng thông báo rằng theo kế hoạch tái vũ trang, đến năm 2021 toàn bộ hệ thống tên lửa di động mặt đất của Lực lượng sẽ được thay thế bằng Yars và Yars-M, thậm chí bằng phiên bản RS-26 còn hiện đại hơn.
Tướng Karakayev cũng cho biết, theo tiến độ của kế hoạch tái vũ trang, tỉ lệ các loại vũ khí hiện đại trong Lực lượng tên lửa chiến lược sẽ đạt 70% vào năm 2018 (hiện nay chỉ mới đạt 56%). Nếu không phải thực hiện nghĩa vụ trong các hợp đồng quốc tế (bán vũ khí ra nước ngoài) thì kế hoạch này có thể hoàn thành sớm hơn nhiều.
"Trong mọi trường hợp, kế hoạch tái vũ trang lực lượng tên lửa chiến lược luôn được coi là ưu tiên hàng đầu, cung cấp một phần chủ yếu phương tiện cho lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ răn đe hạt nhân", tướng Karakayev nói thêm.
Bình luận (0)