Vắc xin Covid-19 hiệu quả với các chủng mới

02/06/2021 07:00 GMT+7

Các vắc xin hiện có vẫn tỏ ra hiệu quả đối với các biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 gây Covid-19 đã ghi nhận.

Theo chuyên san The Conversation, vi rút luôn luôn biến đổi do sai sót đôi khi xảy ra khi sao chép vật liệu di truyền, làm chúng trở nên yếu hơn, mạnh hơn hay không ảnh hưởng đáng kể. Đáng sợ nhất là biến thể giúp chúng vượt hàng rào miễn dịch, khiến người tiêm vắc xin đầy đủ vẫn có thể mắc bệnh. Giới khoa học xếp các biến thể theo cấp độ đáng quan tâm, đáng lo ngại hoặc gây hậu quả lớn.
Đến nay, giới khoa học chưa ghi nhận biến thể SARS-CoV-2 nào thuộc diện gây hậu quả lớn. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến nay có ít nhất 4 biến thể thuộc nhóm đáng lo ngại, gồm biến thể xuất hiện tại Anh, Nam Phi, Brazil và Ấn Độ. Một số nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy kháng thể bị giảm khả năng vô hiệu hóa cơ chế lây nhiễm của SARS-CoV-2, nhưng dữ liệu thực tế chứng minh rằng đến nay các biến thể gây lo ngại vẫn chưa tác động đáng kể đến tính hiệu quả của vắc xin.

295 triệu liều vắc xin COVID-19 đã được tiêm tại Mỹ

Theo Nhóm nghiên cứu quốc gia về vắc xin Covid-19 của Qatar, vắc xin của Pfizer/BioNTech (Mỹ/Đức) có hiệu quả 90% đối với biến thể tại Anh và 75% đối với biến thể tại Nam Phi. Còn vắc xin của AstraZeneca có hiệu quả 75% đối với biến thể tại Anh. AFP dẫn nghiên cứu của Viện Pasteur (Pháp) cho thấy vắc xin của Pfizer/BioNTech vẫn duy trì khả năng bảo vệ trước biến thể ở Ấn Độ, dù hiệu quả có giảm nhẹ. Cụ thể, nghiên cứu đối với 16 nhân viên y tế đã tiêm đủ 2 liều vắc xin này cho thấy số kháng thể đối với biến thể ở Ấn Độ giảm 3 lần, nhưng vẫn đủ khả năng bảo vệ.

Một số vắc xin hiện đang được sử dụng trên thế giới

Reuters

Nghiên cứu của Tổ chức Y tế công cộng Anh cũng cho thấy vắc xin của Pfizer/BioNTech đạt hiệu quả phòng bệnh đến 88%, còn vắc xin của AstraZeneca đạt mức độ bảo vệ 60% đối với biến thể tại Ấn Độ. Tỷ lệ của AstraZeneca thấp hơn có thể do việc triển khai liều thứ 2 chậm hơn so với vắc xin của Pfizer/BioNTech.
Đối với vắc xin Sputnik V của Viện Gamaleya (Nga), chuyên trang Farmiweb dẫn 2 nghiên cứu tại Argentina của Viện Vi rút học tại Đại học quốc gia Cordoba và chính quyền tỉnh Cordoba khẳng định tính hiệu quả của vắc xin này đối với biến thể tại Brazil, với 99,64% người được tiêm có kháng thể 42 ngày sau khi tiêm đủ 2 liều.
Ngoài ra, tờ Hoàn Cầu thời báo hôm qua (1.6) đưa tin các vắc xin Covid-19 của Trung Quốc vẫn có hiệu quả đối với các biến thể mới, dù mức độ lây lan Covid-19 nhanh hơn. Tại Trung Quốc, tỉnh Quảng Đông có 2 biến thể, với biến thể tại Anh xuất hiện ở thành phố Quảng Châu, còn biến thể tại Ấn Độ đã được phát hiện tại Thâm Quyến.
Các biến thể SARS-CoV-2 có tên mới
Hãng AFP hôm qua đưa tin Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố tên gọi mới cho các biến thể vi rút SARS-CoV-2, giúp việc gọi tên dễ dàng hơn và tránh sự kỳ thị. Ba biến thể được WHO xếp vào danh sách gây lo ngại gồm biến thể xuất hiện tại Anh (B.1.1.7), Nam Phi (tên gọi không thống nhất gồm B.1.351, 501Y.V2 và 20H/501Y.V2), Brazil (P.1) được đặt tên lần lượt là Alpha, Beta và Gamma. Biến thể Ấn Độ (B.1.617) được chia làm 2 loại, trong đó biến thể B.1.617.2 được xếp vào danh sách gây lo ngại, với tên gọi Delta. Biến thể B.1.617.1 được gọi là Kappa. Bảng chữ cái Hy Lạp có 24 chữ và chưa rõ việc đặt tên nếu có hơn 24 biến thể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.