Viện Virus học Vũ Hán, tại tâm dịch viêm phổi Trung Quốc, cùng với một phòng thí nghiệm quân đội vào ngày 21.1 đã nộp đơn đăng ký bảo hộ độc quyền remdesivir, một loại thuốc chống virus do hãng Gilead phát triển và vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm, theo AFP dẫn thông tin đăng trên website của viện này hôm 4.2.
Viện Virus học Vũ Hán và Viện Dược lý học & Độc chất học Bắc Kinh phát hiện hợp chất gồm remdesivir và chloroquine - loại thuốc chống sốt rét đã hết thời hạn bảo hộ - đã chứng tỏ tác dụng tốt trong việc kiểm soát chứng viêm phổi do nCoV gây ra trong các thí nghiệm tiến hành bên ngoài cơ thể con người, theo báo cáo trên chuyên san Cell Research.
“Vì những loại thuốc này đều đã được sử dụng riêng rẽ trên bệnh nhân và chứng tỏ hiệu quả chống nhiều loại bệnh, chúng tôi đề nghị nên đánh giá hiệu quả của hỗn hợp thuốc trên bệnh nhân nhiễm nCoV”, theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc.
|
Hai ngày sau khi Viện Virus học Vũ Hán nộp đơn đăng ký, thành phố Vũ Hán gồm 11 triệu dân đã bị phong tỏa.
Trong khi đó, nhà khoa học trưởng của Gilead, Merdad Parsey, cho biết remdesivir chưa từng được nước nào trên thế giới cấp bảo hộ độc quyền hay chấp thuận, và cũng chưa chứng tỏ độ an toàn hoặc công hiệu cho bất kỳ quá trình điều trị nào.
Công ty Gilead đang hợp tác với giới hữu trách Trung Quốc thử nghiệm lâm sàng đối với các bệnh nhân thể hiện triệu chứng viêm phổi để kiểm tra hiệu quả cũng như mức độ an toàn khi dùng thuốc.
Một phát ngôn viên của Gilead, trụ sở tại thành phố Foster của bang California (Mỹ), cho hay hãng đã phát minh remdesivir và đăng ký bằng bảo hộ độc quyền sáng chế tại nhiều nước, bao gồm cả Trung Quốc vào năm 2016, để sử dụng loại thuốc này điều trị cho mọi loại bệnh có liên quan đến các chủng virus corona. Tuy nhiên, đến nay bằng sáng chế tại Trung Quốc vẫn chưa được duyệt.
“Chúng tôi có biết về thông tin Viện Virus học Vũ Hán đăng ký sản xuất thuốc”, theo báo South China Morning Post dẫn lời Phó tổng giám đốc quan hệ công chúng của Gilead, bà Sonia Choi.
|
“Mối quan tâm của chúng tôi vào lúc này là nhanh chóng xác định tiềm năng của remdesivir trong việc điều trị nCoV và đẩy nhanh khâu sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiềm năng trong tương lai”, theo bà Choi.
Về câu hỏi liệu Gilead có kiện các nhà nghiên cứu Trung Quốc vì đã đăng ký bằng sáng chế đối với remdesivir hay không, lãnh đạo công ty này cho biết “hồ sơ đăng ký của Trung Quốc được nộp sau hồ sơ đăng ký của Gilead đến hơn 3 năm và sẽ được xem xét trên cơ sở những gì đã được biết về hợp chất và các đăng ký bảo hộ đang chờ phê duyệt. Chúng tôi không thể bình luận về các chi tiết liên quan đến giấy đăng ký (của viện Vũ Hán) vì có một thời hạn 18 tháng chờ trước khi một hồ sơ đăng ký được công bố”.
Động thái trên của viện Vũ Hán làm gợi nhớ những hành động tương tự trong quá khứ. Thái Lan lần lượt vào năm 2006 và 2007 quyết định sản xuất thuốc điều trị HIV và tim mạch hàng loạt mà không xin phép các hãng dược nước ngoài giữ bằng độc quyền bảo hộ sáng chế.
Các đại gia ngành dược, bao gồm Abbott Laboratories, đáp trả bằng cách rút mọi loại thuốc dùng để điều trị những căn bệnh khác mà họ có bằng sáng chế khỏi thị trường Thái Lan.
Hiện chưa rõ đăng ký của viện Vũ Hán có được giới chức bảo hộ sáng chế của Trung Quốc chấp thuận hay không. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc nói việc đăng ký này dựa trên "thông lệ quốc tế" và nhằm "bảo vệ lợi ích quốc gia", đồng thời khẳng định sẽ "tạm thời không thực thi bất kỳ quyền sở hữu trí tuệ nào nếu các hãng dược nước ngoài sẵn sàng đóng góp vào nỗ lực chống dịch bệnh ở Trung Quốc".
Kể cả trong trường hợp Viện Virus học Vũ Hán có được cấp bằng bảo hộ để sử dụng thuốc điều trị NcoV, viện này cũng không thể tránh được các bằng bảo hộ mà Gilead đã nộp hồ sơ đăng ký hoặc đã được cấp liên quan đến thuốc remdesivir, theo luật sư Andrew Cobden, chuyên về bảo hộ độc quyền và thương hiệu tại hãng luật Hogan Lovells ở Hong Kong
Sẽ mất từ 12 đến 18 tháng trước khi hồ sơ đăng ký của viện Vũ Hán được công bố công chúng biết rõ phạm vi áp dụng bảo hộ độc quyền. Thông thường, toàn bộ quá trình xem xét cấp bằng có thể mất đến vài năm, luật sư Cobden cho biết.
Bình luận (0)