Giám đốc của DFC Adam Boehler đã ký thỏa thuận với Tổng thống Ecuador Lenín Moreno hôm 15.1 và gọi đây là một “mô hình mới” để ngăn chặn sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Mỹ Latinh.
Trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ, chính phủ tổng thống Donald Trump đã kỳ vọng thỏa thuận tạo tiền đề để giúp những quốc gia khác thoát cái Washington gọi là “bẫy nợ” từ Trung Quốc và loại bỏ các tập đoàn Trung Quốc khỏi mạng viễn thông.
DFC đã gửi báo cáo về thỏa thuận cho tân chính phủ Tổng thống Joe Biden, cùng các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa ở Quốc hội. Ông Boehler cho rằng Tổng thống Biden đánh giá đây là cách tiếp cận hoàn toàn mới và tiến bộ. “Đây không phải là ưu tiên của đảng Dân chủ hay ưu tiên của đảng Cộng hòa. Đây là một ưu tiên của Mỹ”, ông Boehler nói với tờ Financial Times.
Mỹ thành lập DFC theo Đạo luật Sử dụng tốt hơn các khoản đầu tư hướng đến phát triển năm 2018. Từ đó, Bộ Ngoại giao Mỹ tiến hành dự án “America Crece” hay “Tăng trưởng ở châu Mỹ”. Mục tiêu chính là sử dụng quỹ của chính phủ Mỹ kết hợp với tư nhân để ứng phó sức ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực này. Ecuador được xem là mô hình thành công nhất trong chương trình này.
Ông Boehler nhấn mạnh những gì Trung Quốc đang làm trên toàn cầu buộc Mỹ phải có biện pháp “đáp trả”, đồng thời nhấn mạnh các khoản vay của Trung Quốc đã trở thành “bẫy nợ” cho nhiều quốc gia đang phát triển.
Tuy nhiên, để được Mỹ "giải cứu", Ecuador cũng phải chấp nhận một điều kiện đáng chú ý. Cụ thể, một điều khoản chính trong thỏa thuận với Mỹ là Ecuador phải tham gia sáng kiến “Mạng lưới sạch” dưới thời ông Trump nhằm đảm bảo các nước khác làm theo Mỹ, loại trừ các công ty viễn thông Trung Quốc như Huawei khỏi dự án phát triển mạng di động thế hệ mới (5G).
Cũng theo thỏa thuận, DFC sẽ hợp tác với các ngân hàng tư nhân tạo ra cơ chế mua dầu và tài sản (cơ sở hạ tầng) ở Ecuador để trả khoản nợ cho Trung Quốc sớm hơn. Dự kiến thỏa thuận sẽ mang đến 3,5 tỉ USD. Reuters dẫn lại các số liệu chính thức cho thấy khoản nợ của Ecuador với Trung Quốc hiện vượt quá 5 tỉ USD.
Giới chuyên gia bày tỏ lo ngại Ecuador rơi vào vòng xoáy cuộc cạnh tranh giành sức ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực.
Trên chuyên san Asia Times, chuyên gia Vijay Prashad tại tổ chức Independent Media Institute (Ấn Độ) cho rằng việc Mỹ giải cứu Ecuador khỏi “bẫy nợ” của Trung Quốc trở thành “một cái bẫy mới”. “Trong đại dịch Covid-19, các nước đang phát triển phải đối mặt một vấn đề nghiêm trọng là cuộc khủng hoảng nợ. Tổng nợ nước ngoài mà các nước đang phát triển chịu ước tính là 11 nghìn tỉ USD, trong đó của Ecuador là khoảng 52 tỉ USD”, theo ông Prashad.
Trong bối cảnh Ecuador chuẩn bị bước vào cuộc tổng tuyển cử ngày 7.2, vị tân tổng thống tương lai sẽ đối mặt nhiều thách thức từ cuộc cạnh tranh giành sức ảnh hưởng Mỹ-Trung Quốc và khoản nợ khổng lồ.
Bình luận (0)