Vì sao Tổng thống Putin thích Donald Trump, 'ghét' Hillary Clinton?

27/07/2016 14:00 GMT+7

Tổng thống Nga Vladimir Putin có nhiều lý do để mong ông Donald Trump làm tổng thống Mỹ, bao gồm việc Trump tuyên bố có thể không giúp thành viên NATO nếu bị Nga tấn công. Trong khi Hillary Clinton từng nhiều lần chỉ trích gay gắt Putin.

Lời tố cáo của Barack Obama
Vụ tin tặc đánh cắp và tung lên mạng đến 20.000 email của Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ (DNC), trong đó có nhiều email bất lợi cho bà Clinton, là diễn biến mới nhất cho thấy có thể có sự can thiệp của ông Putin vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Nhiều chuyên gia cho rằng chính tình báo Nga đứng sau vụ tin tặc và tung thông tin, vốn diễn ra ngay trước thời khắc cực kỳ quan trọng cho uy tín của bà Clinton: đại hội đảng Dân chủ.
Đích thân Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 26.7 đã tuyên bố rằng có thể tin tặc Nga đã tấn công mạng nhằm vào DNC để tìm cách tác động tới cuộc bầu cử Mỹ. Tổng thống Obama lập luận Tổng thống Nga Putin có thể thích Trump hơn bà Clinton vì ông Trump "đã nhiều lần lặp lại sự ngưỡng mộ" của ông ấy đối với Putin.
NBC News dẫn lời ông Obama: "Tôi chỉ dựa trên những gì chính ông Trump nói. Và tôi nghĩ rằng ông Trump cũng có nhiều bài viết có lợi cho ông ta ở Nga".
Trump và Putin từng vài lần khen qua khen lại tài năng của nhau. Bản thân ông Trump tuyên bố ông mà làm tổng thống Mỹ thì sẽ "thân thiện với Nga" và khen Putin là có tư chất lãnh đạo hơn ông Obama.
Vụ tin tặc vừa qua được xem là bằng chứng cho thấy ông Putin đang cố can thiệp vào bầu cử Mỹ Reuters
Tổng thống Obama cho biết FBI vẫn đang đều tra vụ tin tặc kể trên nhưng tiết lộ "các chuyên gia đã quy vụ này cho Nga... Những gì chúng ta chắc chắn tới giờ phút này là người Nga tấn công vào hệ thống của chúng ta, không chỉ là hệ thống chính phủ và mà cả hệ thống cá nhân", ông Obama phát biểu.
Quay lại với vụ tấn công email của DNC, thông tin được tung hê lên mạng bao gồm nhiều email cho thấy các lãnh đạo Dân chủ có thể đã cố tình can thiệp để "phá" chiến dịch tranh cử của thượng nghị sĩ Bernie Sanders - đối thủ cũ trong nội bộ Dân chủ của bà Clinton. Nhiều người ủng hộ ông Sanders đã đổ ra đường phản đối bà Clinton ngay khi kỳ đại hội bắt đầu. Chủ tịch đảng Dân chủ Debbie Wasserman Schultz thì phải từ chức ngay trước thềm đại hội đảng.
Tất cả những diễn biến này chắc chắn đều bất lợi cho uy tín của bà Clinton, đồng nghĩa với việc có lợi cho đối thủ Trump.
Lời đảm bảo của Donald Trump
Tổng thống Putin ngày càng có nhiều lý do để mong ông Trump lên làm tổng thống. Mới gần đây, trong cuộc phỏng vấn với tờ The New York Times, ông Trump nói rằng ông mà làm tổng thống Mỹ thì sẽ không có lời đảm bảo nào cho việc Mỹ bảo vệ các nước nhỏ thành viên NATO như Estonia hoặc Latvia dù có bị Nga tấn công nếu các nước này chưa đóng góp đầy đủ cho NATO.
Sự "không đảm bảo" này là "một lời đảm bảo" khác cho Nga. Tìm được một ứng viên tổng thống đạp đổ hết nền tảng cốt lõi này đến nền tảng cốt lõi khác của Mỹ như Trump là điều xưa nay cực hiếm.
Ông Donald Trump (ảnh) từng vài lần khen ngợi tài năng của Tổng thống Nga Putin Reuters
Tuyên bố của Trump lập tức xuất hiện trên báo giới khắp hành tinh trong bối cảnh căng thẳng quân sự giữa Nga và NATO đang lên tới đỉnh điểm ở khu vực Baltic (nơi các nước Estonia và Latvia tọa lạc) với một cuộc chạy đua quân sự cao độ ở đây. Sau khi Nga sát nhập lãnh thổ Crimea của Ukraine, mọi nỗ lực của NATO đang tập trung vào việc bảo vệ các thành viên Baltic. Các thành viên NATO cũng đã hứa bất cứ cuộc tấn công nào vào một nước thành viên cũng được coi là tấn công vào NATO.
Người đàn bà so sánh Putin với Hitler
Còn đối thủ của ông Trump, bà Clinton hẳn sẽ không bao giờ có những chính sách "bước ngoặc" như Trump, về cơ bản sẽ vẫn dẫn dắt nước Mỹ đi theo đường lối đối ngoại xưa nay nếu bà trở thành tổng thống Mỹ nên sẽ không có chuyện "thân thiện" với Nga hoặc để cho Nga tha hồ tấn công đồng minh NATO.
Ông Putin hẳn không muốn nhìn thấy gia đình Clinton lại bước vào Nhà Trắng Reuters
Thêm vào đó, bà Clinton từ lâu là người cật lực chỉ trích cá nhân ông Putin. Từ hồi còn là thượng nghị sĩ, bà Clinton hồi năm 2008 đã tuyên bố rằng một cựu điệp viên như Putin chắc chẳng có nổi linh hồn (?). Tới khi làm ngoại trưởng Mỹ, bà Clinton "to tiếng" hơn hẳn các người tiền nhiệm trong việc chỉ trích công cuộc củng cố quyền lực trong nước của ông Putin. Tới hồi rời khỏi chính phủ rồi, cựu đệ nhất phu nhân vẫn ngoái lại bảo rằng Putin chẳng khác gì Hitler khi nói tới việc Nga sát nhập lãnh thổ Crimea.
Thế nên cũng chẳng có gì lạ khi Tổng thống Putin không "ưa" bà Clinton và không mong muốn bà trở thành tổng thống tiếp theo của Mỹ. Còn chuyện liệu ông có thực sự đứng sau vụ đánh cắp và tung email nhằm mục đích hạ bệ bà Clinton hay không thì khó lòng biết được trong bối cảnh điều tra nguồn gốc tin tặc là điều khó như mò kim đáy bể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.