Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Trung Quốc sẽ đưa ra kháng nghị ngoại giao với Triều Tiên tại Đại sứ quán Triều Tiên ở Bắc Kinh, sau khi Bình Nhưỡng trong ngày 9.9 thừa nhận đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5.
tin liên quan
Triều Tiên thừa nhận vừa thử hạt nhân lần thứ 5Cũng trong tuyên bố nếu trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định nước này vẫn cam kết về việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, và đóng góp vào các cuộc thảo luận để giải quyết vấn đề.
Trong khi đó trong bài bình luận đăng ngày 9.9, Tân Hoa xã cho rằng hành động của Triều Tiên là sự kiện “gây sốc”, “thiếu khôn ngoan” và “chỉ như đổ thêm dầu vào lửa”.
Tuy nhiên, cơ quan thông tấn nhà nước Trung Quốc này nói thêm rằng không một ai hưởng lợi trong sự hỗn loạn hoặc chiến tranh diễn ra ở Triều Tiên, và tất cả các bên trong cộng đồng quốc tế nên kiềm chế và tránh làm bất cứ điều gì “gây khó chịu cho nhau”.
“Trước đó không lâu, Hàn Quốc phớt lờ sự phản đối mạnh mẽ của các nước láng giềng và quyết định triển khai THAAD, vốn hoàn toàn đi ngược lại với những nỗ lực duy trì hòa bình và sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên, đã làm tổn hại nghiêm trọng đến chiến lược bình ổn khu vực cũng như khiến căng thẳng trên bán đảo leo thang”, Tân Hoa xã lập luận.
Hàn Quốc và Mỹ gần đây đã đồng ý về việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc. Đây là hành động được phía Hàn và Mỹ giải thích nhằm đối phó với mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên. Tuy nhiên, THAAD lại khiến Trung Quốc phản đối vì Bắc Kinh cho rằng đây cũng là một dạng gây bất ổn an ninh khu vực.
|
Hãng tin Reuters nhận xét rằng sự phản ứng từ phía Trung Quốc đối với hành động thử hạt nhân của Triều Tiên vừa qua, xét về tổng quan là không muốn mạnh tay với Triều Tiên. Bắc Kinh có giới hạn nhất định về tầm ảnh hưởng lên Bình Nhưỡng, cũng như tin rằng Mỹ - Hàn cũng phải có trách nhiệm về việc này.
Lâu nay Trung Quốc vẫn được xem là có mối quan hệ mật thiết nhất với Triều Tiên, đặc biệt là sự hỗ trợ kinh tế rất đáng kể. Chính vì vậy khi Triều Tiên có hành động vi phạm Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, các bên đều đo lường sự phản ứng từ phía Trung Quốc.
Tuy nhiên, Reuters dẫn lời một quan chức phương Tây ở Bắc Kinh và từng làm việc ở Bình Nhưỡng, nói rằng trên thực tế Trung Quốc có ảnh hưởng rất ít lên Triều Tiên và không kiểm soát được Triều Tiên như Mỹ vẫn nghĩ. Ngoài ra, lãnh đạo Kim Jong-un của Triều Tiên cũng không hề “hoảng loạn”.
“Triều Tiên không thích người Trung Quốc và chắc chắn không nghe lời. Lãnh đạo Triều Tiên hiểu chính xác những gì họ đang làm cũng như diễn biến của sự việc sẽ đến đâu. Họ hiểu rằng sẽ là một cái kết cho quốc gia của mình nếu họ thực sự khiêu chiến, vì người Mỹ sẽ san bằng Triều Tiên”, quan chức này nhận xét.
Ở một góc độ khác, Trung Quốc đang ở vào tình trạng khó xử với vấn đề Triều Tiên. Đài CNN dẫn lời ông Tong Zhao, công tác tại Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie - Thanh Hoa (Bắc Kinh), khẳng định Trung Quốc không thể và sẽ không cắt đứt quan hệ kinh tế với Triều Tiên, vì nó sẽ khiến Trung Quốc dễ bị tổn thương đối với Triều Tiên... và một sự sụp đổ tiềm tàng.
Đáng chú ý kể từ lúc ông Kim Jong-un lãnh đạo Triều Tiên vẫn chưa thực hiện bất kỳ chuyến thăm chính thức nào đến Trung Quốc cũng như các nước khác.
Theo CNN, Trung Quốc xem Triều Tiên là một vùng đệm trong chính sách cân bằng với Mỹ và các đồng minh trong khu vực. Ít nhất, Triều Tiên cũng sẽ là một sự hiện diện để Trung Quốc thương thảo với Mỹ xung quanh các tranh chấp và vấn đề tự do hàng hải ở Biển Đông.
Mặc dù vậy, việc Triều Tiên liên tục có hành động thử hạt nhân và tên lửa, trong khi có khuynh hướng tách dần sức ảnh hưởng của Trung Quốc, sẽ thực sự khiến Bắc Kinh khó ăn nói. Ít ra vào lúc này, họ cũng phải suy nghĩ thật kỹ lý do để phản đối việc triển khai THAAD, vì thứ hiện hữu trước cộng đồng quốc tế lúc này chính là đợt thử hạt nhân lần thứ 5 ở Triều Tiên.
Bình luận (0)