Điều gì gắn kết Việt Nam và Nhật Bản?

20/10/2020 07:00 GMT+7

Thanh Niên đã phỏng vấn các chuyên gia đang nghiên cứu tại 4 nước Mỹ - Nhật Bản - Úc và Ấn Độ về chuyến công du của tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đến Việt Nam.

Việt Nam là đối tác lớn

Vị thế Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản
Ông/bà đánh giá như thế nào về việc Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên mà tân Thủ tướng Suga công du sau khi nhậm chức? Điều đó mang ý nghĩa gì?

GS Rory Medcalf (Hiệu trưởng Trường An ninh quốc gia - Đại học Quốc gia Úc):

Chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide là một tín hiệu về sự ưu tiên cao của nước này đối với Việt Nam như một đối tác chiến lược. Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Suga sẽ kế tục chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm là ông Abe Shinzo trong việc xây dựng một mạng lưới hợp tác để tạo sự cân bằng trước sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực.

GS Yoichiro Sato (chuyên gia quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản):

Việt Nam và Indonesia là 2 quốc gia hùng mạnh nhất về quân sự ở Đông Nam Á. Cả hai nước cũng thể hiện lập trường mạnh mẽ ở Biển Đông. Trong khi đó, Nhật Bản cùng với Mỹ, Úc và một số nước châu Âu đã kiên định nhấn mạnh cần đảm bảo trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là luật Biển quốc tế.
Chuyến thăm của Thủ tướng Suga nhấn mạnh về các diễn biến pháp lý quốc tế. Điều này không chỉ gửi đi thông điệp đối với các hành vi của Trung Quốc mà đồng thời thúc đẩy các nước Đông Nam Á khác phối hợp về pháp lý.

TS Rajeswari Pillai Rajagopalan (chuyên gia tại Quỹ nghiên cứu quan sát ở Ấn Độ):

Có thể, vai trò chủ tịch của Việt Nam ở ASEAN năm 2020 là nhân tố quan trọng để Thủ tướng Suga chọn Việt Nam là điểm đến trong chuyến công du đầu tiên sau khi nhậm chức. Nhật Bản dưới thời ông Suga dường như nối tiếp chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm, mà trong đó chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) có vai trò quan trọng. Chuyến công du của tân Thủ tướng Nhật đến Việt Nam và Indonesia có ý nghĩa lớn để khẳng định chính sách đối ngoại của Tokyo trong bối cảnh hiện tại.

TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ):

Chuyến thăm mang thông điệp rất quan trọng mà tân Thủ tướng Nhật muốn gửi đi. Năm 2012, khi quay trở lại làm Thủ tướng Nhật, ông Abe Shinzo đã chọn Việt Nam và Indonesia để thăm chính thức. Giờ đây, nội các của ông Suga thể hiện Việt Nam và Indonesia là các đối tác ưu tiên, để nhấn mạnh việc tiếp tục chính sách của ông Abe.

Quan hệ có nhiều tiến triển

Ông/bà đánh giá thế nào về quan hệ hợp tác Việt - Nhật thời gian qua? Hai nước có thể tăng cường hợp tác các lĩnh vực nào?

GS Rory Medcalf:

Thời gian qua, an ninh hàng hải là lĩnh vực ưu tiên hợp tác giữa hai nước. Chẳng hạn Nhật sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển năng lực tuần tra biển.
Một lĩnh vực hợp tác khác giữa hai bên là công nghệ về an ninh, chẳng hạn như hệ thống mạng và năng lực quân sự. Bên cạnh đó, Việt Nam là một điển hình về việc kiểm soát đại dịch Covid-19, nên ứng phó đại dịch cũng là lĩnh vực mà hai bên có thể hợp tác.
Về kinh tế, hai nước còn có thể hợp tác về chuỗi cung ứng thiết bị y tế và nhiều công nghệ quan trọng.

GS Yoichiro Sato:

Hai nước đã công bố việc chuyển giao kỹ thuật quốc phòng song phương từ Nhật. Qua đó, Việt Nam có thể đa dạng hóa kỹ thuật quốc phòng. Hai bên cũng đã hợp tác chặt chẽ về an ninh hàng hải. Như mới đây, tàu sân bay trực thăng cùng 1 tàu khu trục và 1 tàu ngầm của Nhật đã cập cảng Cam Ranh. Sự kiện này thể hiện quan hệ hợp tác quốc phòng Việt - Nhật ngày càng được tăng cường.
Bên cạnh đó, Nhật cũng hỗ trợ Việt Nam về vốn phát triển hạ tầng. Xu hướng này có thể tiếp tục được đẩy mạnh khi Nhật Bản xem Việt Nam là đối tác chính để đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

TS Rajeswari Pillai Rajagopalan:

Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam, đặc biệt về an ninh, quốc phòng. Hai bên cũng có thể cho thấy việc tăng cường hợp tác trong các vấn đề khác, như nghiên cứu không gian chẳng hạn.

TS Satoru Nagao:

Quan hệ Việt - Nhật đã có nhiều tiến triển cả về an ninh lẫn kinh tế trong những năm gần đây, đặc biệt giữa các diễn biến chính trị đáng lo ngại trong khu vực. Ví dụ như tàu chiến Nhật Bản đã nhiều lần viếng thăm Việt Nam, Nhật cũng tặng tàu tuần tra cho Việt Nam.
Về kinh tế, gần đây, khi đại dịch Covid-19 bùng nổ thì Nhật Bản đã chuyển dần chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Nhật đã dành ra khoảng 2,2 tỉ USD để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi này. Và Việt Nam chính là điểm đến mà doanh nghiệp Nhật Bản chú ý đến.

Vai trò quan trọng ở Indo-Pacific

Đối với khu vực, ông/bà đánh giá thế nào về vai trò của Việt Nam ở Indo-Pacific?

GS Rory Medcalf:

Việt Nam có vai trò ngày càng lớn và quan trọng ở Indo-Pacific, với tư cách là một “cường quốc cấp trung” và là thành viên có ảnh hưởng của ASEAN. Nhiều quốc gia đang hoan nghênh Việt Nam trở thành đối tác an ninh để cùng hướng đến duy trì luật lệ và bảo vệ chủ quyền trước bối cảnh địa chính trị hiện tại. Nhật Bản và Úc hoan nghênh Việt Nam như đối tác song phương, đồng thời còn là đối tác tiềm năng cho hợp tác đa phương về an ninh.

GS Yoichiro Sato:

Việt Nam đang được kỳ vọng một vai trò ngày càng quan trọng trong việc phối hợp về mặt pháp lý ở Biển Đông. Nhưng Việt Nam còn có nhiều thách thức cần giải quyết để đóng một vai trò trực tiếp lớn hơn ở Indo-Pacific.

TS Rajeswari Pillai Rajagopalan:

Vai trò của Việt Nam ở Indo-Pacific vẫn còn quan trọng, nhưng bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nên Việt Nam chưa thể hiện được nhiều về điều đó trong vị thế Chủ tịch ASEAN năm 2020. Nếu không có đại dịch, Việt Nam đã có nhiều cơ hội để thực hiện các chương trình nghị sự phong phú được đề ra trước đó, nhằm hướng đến sự đồng thuận lớn hơn ở ASEAN trong nhiều vấn đề, điển hình là vấn đề Biển Đông, Indo-Pacific.
Vị thế Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản

TS Satoru Nagao:

Cả về an ninh lẫn kinh tế, vai trò của Việt Nam đối với Indo-Pacific là rất quan trọng. Về kinh tế, Việt Nam chính là điểm đến cho các nước theo đuổi chiến lược Indo-Pacific khi chuyển dời chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.