Vị thủ tướng lẫy lừng của Israel

15/06/2021 07:30 GMT+7

Ghi tên vào lịch sử là thủ tướng trẻ tuổi nhất Israel, ông Benjamin Netanyahu trở thành nhà lãnh đạo tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử nước này trước khi phải rời ghế hôm 14.6.

Ngày 14.6 (giờ VN), với số phiếu cách biệt 60-59, quốc hội Israel thông qua chính quyền liên minh do ông Naftali Bennett (chủ tịch đảng Yamina) dẫn đầu, chấm dứt 12 năm liên tục cầm quyền của ông Netanyahu, người được tờ The New York Times nhắc đến với biệt danh “Vua của Israel”.
Tổng cộng ông Netanyahu tại chức 15 năm, hiện giữ kỷ lục thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử Israel.

Sự nghiệp quân sự, chính trị

Ông Netanyahu, tên Bibi, chào đời năm 1949 ở Tel Aviv trong một gia đình trí thức. Cha là nhà sử học tham gia tích cực Zion (phong trào vận động phục quốc cho người Do Thái). Ông được nuôi dạy ở Jerusalem trước khi gia đình di cư đến Mỹ và học trường trung học ở TP.Philadelphia (bang Pennsylvania).

Người thay thế 

Tân Thủ tướng Naftali Bennett, 49 tuổi, chào đời ở Haifa (Israel) trong gia đình là người Do Thái di dân đến Mỹ. Khi còn bé, ông sống một thời gian ngắn ở Mỹ trước khi theo cha mẹ hồi hương. Cũng giống như đa số người Israel, ông Bennett tham gia quân ngũ và trở thành biệt kích của lực lượng Sayeret Matkal trước khi được đề bạt làm chỉ huy đơn vị. Năm 1999, ông đồng sáng lập một công ty phần mềm và chuyển đến sống ở New York (Mỹ). Sau đó ông bán công ty với giá 145 triệu USD (3.327 tỉ đồng theo quy đổi hiện nay). Ông cũng là tổng giám đốc điều hành của Soluto, hãng chuyên về thiết bị an ninh và sau đó cũng được sang tay với giá 100 triệu USD.
Năm 2005, ông Bennett gia nhập chính trường và trở thành trợ lý cấp cao của ông Netanyahu. Đến năm 2012, ông đắc cử vào quốc hội và chỉ mất 8 năm để trỗi dậy thành thế lực đáng gờm trên chính trường Israel. Ông chia sẻ quan điểm với ông Netanyahu, và từng đảm nhiệm vai trò bộ trưởng quốc phòng, bộ trưởng giáo dục và bộ trưởng kinh tế trong nội các trước đây. Giống như người tiền nhiệm, ông Bennett bác bỏ kế hoạch xây dựng nhà nước Palestine và muốn Israel duy trì quyền kiểm soát tuyệt đối với mọi vùng đất, đồng thời kêu gọi Israel sáp nhập khu vực định cư của người Palestine ở Bờ Tây. Tân thủ tướng từng kêu gọi phải tiêu diệt tất cả các tay súng vũ trang người Palestine mà theo ông là những kẻ khủng bố.
Quay về Israel sau khi tốt nghiệp trung học và thông thạo tiếng Anh, ông Netanyahu gia nhập đơn vị biệt kích Sayeret Matkal tinh nhuệ của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF). Trong 5 năm tại ngũ, ông được thăng chức đại úy và vài lần bị thương khi tham gia các chiến dịch quân sự ở Jordan, Li Băng và Chiến tranh Ả Rập - Israel lần thứ tư (Yom Kippur), diễn ra năm 1973, theo Hãng tin AFP.
Rời quân ngũ, ông Netanyahu quay lại Mỹ và tốt nghiệp Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và theo học ngành khoa học chính trị của Đại học Harvard và MIT.
Năm 1976, ông quay về Israel khi nghe tin anh ruột Yonatan “Yoni” Netanyahu tử trận trong chiến dịch quân sự Entebbe nhằm giải cứu con tin trong vụ cướp máy bay ở phi trường Uganda. Cùng năm, ông và cha thành lập Viện Chống khủng bố Yonatan Netanyahu theo tên người anh, và bắt đầu xây dựng các mối quan hệ với giới chính khách.
Thời gian tiếp đó, ông quay lại Mỹ để hoàn tất các văn bằng liên quan đến kiến trúc và quản trị kinh doanh. Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc cho một công ty tư vấn ở TP.Boston (bang Massachusetts).
Đến năm 1978, ông Netanyahu xuất hiện trên sóng truyền hình Mỹ. Với năng lực Anh ngữ thông thạo, ông trở thành khách mời lý tưởng cho những đề tài thảo luận về Israel. Đầu những năm 1980, ông chính thức gia nhập ngành ngoại giao. Ông được bổ nhiệm làm phó đại sứ tại sứ quán Israel ở Washington D.C (1982) trước khi trở thành Đại sứ Israel tại Liên Hiệp Quốc (trụ sở ở TP.New York, bang New York) từ năm 1984 - 1988. Trong thời gian làm đại sứ, ông Netanyahu trở thành bạn bè thân thiết của ông Fred Trump, cha cựu Tổng thống Donald Trump.
Sau khi quay về Israel, ông bước vào chính trường với việc gia nhập đảng Likud năm 1988 và đắc cử vào quốc hội trước khi trở thành thứ trưởng ngoại giao. Năm 1993, trên cương vị chủ tịch Likud, ông Netanyahu mạnh mẽ chỉ trích Thủ tướng Yitzhak Rabin thuộc đảng Lao động đã ký kết Hiệp ước hòa bình Oslo với Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO). Đây là hiệp ước là cơ sở cho việc thành lập chính quyền tự trị Palestine, mở đường tiếp tục đàm phán giữa Israel và Palestine và hướng đến mục tiêu hình thành nhà nước Palestine độc lập, theo Reuters.
Sau khi ông Rabin bị ám sát chết năm 1995, ông Netanyahu một năm sau đánh bại ứng viên được Mỹ hậu thuẫn là ông Shimon Peres để trở thành thủ tướng trẻ tuổi nhất của Israel vào thời điểm nhậm chức (46 tuổi). Đến năm 1999, đảng Likud thất bại trước đảng Lao động và mất ghế thủ tướng. Ông tạm thời lui khỏi chính trường trước khi quay lại nội các dưới thời Thủ tướng Ariel Sharon. Năm 2007, ông được bầu làm chủ tịch Likud và một lần nữa quay lại cương vị thủ tướng năm 2009 và liên tục cầm quyền suốt 12 năm.

Quan điểm chính trị cứng rắn

Trong suốt sự nghiệp chính trị, ông Netanyahu nổi tiếng với quan điểm cứng rắn, không dễ nhượng bộ trước đối thủ. Chẳng hạn, quan hệ giữa ông và nhà lãnh đạo PLO Yasir Arafat luôn căng thẳng, và cả hai chưa bao giờ đạt được tín nhiệm đến mức có thể đạt đến thỏa ước hòa bình kéo dài sau Hiệp định Oslo. Ông luôn thuyết phục cử tri tin rằng chỉ có mình mới bảo vệ được Israel trước các mối đe dọa từ bên ngoài, bao gồm phong trào vũ trang Palestine Iran, theo báo The New York Times.
Nhiệm kỳ dài 12 năm của ông Netanyahu nổi bật với chính sách “ba không”: Không chấp nhận nhà nước Palestine, không trao trả cao nguyên Golan cho Syria và không thảo luận về quy chế tương lai của Jerusalem. Tháng 5.2005, ông từ chức ngoại trưởng để phản đối kế hoạch của Thủ tướng Sharon rút quân khỏi Dải Gaza, và kiên quyết tiếp tục mở rộng các khu định cư của Israel trên Bờ Tây, mà theo LHQ xem là bất hợp pháp. “Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng Jerusalem và tại mọi địa điểm trên bản đồ đóng vai trò lợi ích chiến lược của Israel”, ông Netanyahu từng tuyên bố.

Những ai sẽ là "vua mới" của Israel?

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ông Netanyahu vướng nhiều bê bối, chủ yếu là tham nhũng và lạm dụng chức quyền. Năm 2019 nhà lãnh đạo bị luận tội với các cáo buộc nhận quà cáp xa hoa từ bạn bè triệu phú, tìm cách tác động để đưa ra những chính sách và quy định có lợi cho các ông trùm truyền thông. Để đổi lại, phía truyền thông đưa tin có lợi cho hình ảnh bản thân ông Netanyahu.
Ngày 13.6, kỷ lục 12 năm cầm quyền của ông Netanyahu đã bị phá vỡ sau khi quốc hội thông qua chính phủ mới do cựu đồng minh Bennett dẫn đầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.