Viễn cảnh đạn bắn tỉa bội siêu thanh

06/11/2018 07:54 GMT+7

Công ty Lobaev Arms của Nga tuyên bố có thể chế tạo viên đạn bắn khỏi nòng với vận tốc 2.000 m/giây, gần gấp 6 lần vận tốc âm thanh.

Lobaev Arms là công ty sản xuất súng bắn tỉa nổi tiếng của Nga, đặt trụ sở tại vùng Kaluga, phía tây nước này. Theo báo mạng Russia Beyond, đây là nơi ra lò những dòng súng bắn tỉa lợi hại như “Twilight”, “Stalingrad”, “Harasser”, “Saboteur”... và là nhà cung cấp chính cho Cơ quan Bảo vệ Liên bang Nga, lực lượng đặc nhiệm nước này cũng như quân đội UAE. Mới đây, Hãng thông tấn Sputnik dẫn lời nhà sáng lập Vlad Lobaev cho hay nếu được chính phủ tài trợ, họ đủ sức chế tạo đạn bắn tỉa bội siêu thanh trong vòng một năm.
Theo thiết kế, đạn thế hệ mới không được nhồi thuốc súng như các dòng đạn thông thường, thay vào đó “kích nổ bằng hỗn hợp hóa chất đặc biệt”, tạo nên lực đẩy đáng nể, giúp đẩy tốc độ bay lên đến 2.000 m/giây, tương đương 7.200 km/giờ (Mach 5,83 - tức gấp 5,83 lần vận tốc âm thanh). Đa số các loại đạn hiện nay di chuyển với tốc độ dao động từ 305 - 914 m/giây. Sputnik dẫn lời các chuyên gia đánh giá đạn tốc độ cao không những giúp nới rộng tầm sát thương của lính bắn tỉa, mà còn rút ngắn thời gian di chuyển đến mục tiêu và giúp vô hiệu hóa các ảnh hưởng từ lực hút trái đất và lực cản của gió, vốn là những yếu tố gây trở ngại cho đường đạn. Vì vậy, vận tốc đạn bay được xem là một trong những yếu tố quan trọng nhất khi lựa chọn súng trường.
Về lý thuyết, nếu bắn thẳng, viên đạn có thể di chuyển hàng ki lô mét nhưng hiệu ứng từ trọng lực sẽ khiến đạn bay chậm dần cho đến khi ngừng lại và rơi xuống đất. Đó là lý do để có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách xa, lính bắn tỉa cần phải tính toán điều chỉnh họng súng theo một góc cụ thể để đường đạn bay cong phù hợp với các yếu tố địa hình, lực hút, tốc độ viên đạn, vận tốc gió, phương hướng mục tiêu, áp lực không khí, nhiệt độ, độ ẩm và thậm chí độ xoay của trái đất. Một trường hợp cụ thể là kỷ lục thế giới về bắn tỉa do một thành viên thuộc lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ của quân đội Canada lập được năm 2017 ở Iraq. Khi đó, binh sĩ này nằm phục sẵn trên một tòa nhà cao tầng và tiêu diệt một mục tiêu cấp cao của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bằng phát đạn từ khoảng cách 3.540 m. Tờ The Globe and Mail dẫn lời người lính giấu tên cho hay anh và đồng đội phải tính toán kỹ lưỡng sao cho viên đạn di chuyển trong không khí đúng 7,3 giây và sẽ rơi khoảng 170 m so với độ cao khi được bắn ra khỏi nòng để trúng mục tiêu.
Theo Sputnik, với đạn siêu thanh, những thách thức nói trên sẽ được giảm thiểu đáng kể và đường đạn sẽ thẳng hơn so với đạn thường. Tốc độ bay siêu nhanh sẽ giúp phần nào vô hiệu hóa những hiệu ứng môi trường tác động lên đường đạn, đồng thời rút ngắn thời gian đến đích và giảm bớt nguy cơ mục tiêu bất ngờ di chuyển khỏi vị trí ban đầu.
Tuy nhiên, việc được trang bị đạn bội siêu thanh không có nghĩa là lính bắn tỉa Nga sẽ trở nên lợi hại hơn hẳn so với đồng nghiệp các nước khác. Lợi thế chủ yếu của loại đạn mới, cụ thể là khả năng vô hiệu hóa trọng lực và sức gió, chỉ áp dụng được trong một khoảng cách nhất định. Xạ thủ vẫn phải tính toán thông số liên quan để bắn hạ mục tiêu. Bên cạnh đó, các dòng vũ khí dạng này cần phải được bảo trì thường xuyên vì mức độ hao hụt cực cao. Chẳng hạn, theo Russia Beyond, pháo điện từ của Mỹ, khai hỏa với vận tốc tối đa Mach 6, cần phải được thay nòng sau vài chục lần bắn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.