Loài người trở thành sinh vật liên hành tinh
Ý tưởng biến sao Hỏa thành “thuộc địa” mới của loài người không còn là mơ ước xa vời. Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và các cơ quan không gian một số nước đang sát cánh với các nhà khoa học và chuyên gia nghiên cứu độc lập nhằm xác định cần phải làm thế nào để đưa nhân loại đến hành tinh đỏ.
Trong một diễn biến mới nhất, các kỹ sư NASA và nhà sản xuất tên lửa Aerojet Rocketdyne, trụ sở tại Sacramento, vừa tiết lộ bước tiến quan trọng trong nỗ lực đưa con người đến sao Hỏa: chế tạo động cơ đẩy cực mạnh có tên AEPS, theo báo Express UK.
Nếu mọi chuyện diễn ra thuận lợi, con người muốn hoàn thành mục tiêu đầy tham vọng là di chuyển giống nòi trên trái đất đến một hành tinh khác và cuối cùng trở thành sinh vật liên hành tinh. Tuy nhiên, trong quá trình này chúng ta có thể thực sự kích hoạt cơ chế tiến hóa nhanh chóng thành một loài người mới thích hợp với môi trường ngoài địa cầu hơn. Đó là lời cảnh báo của nhóm chuyên gia vừa thực hiện cuộc nghiên cứu nhằm liệt kê một số nguy cơ mà con người có thể đối mặt trong quá trình di truyền nòi giống trên bề mặt hành tinh đỏ.
tin liên quan
Sao Mộc, sao Kim 'thao túng' quỹ đạo trái đấtXét về nhiều khía cạnh, hành tinh thứ tư tính từ mặt trời có nhiều điểm rất giống trái đất. Thế nhưng, trong khi nơi đây từng chảy những dòng sông và chứa đựng các đại dương nước, sao Hỏa ngày nay quá sức cằn cỗi và không phù hợp cho sự sống tồn tại, bất chấp những hy vọng đến một ngày chúng ta có thể tìm được sự sống tại đây, hoặc ít nhất là vẫn còn lại dấu vết về sự sống trong quá khứ.
Cả NASA và tỉ phú Elon Musk, Tổng giám đốc điều hành Công ty SpaceX (Mỹ) chuyên hoạt động trong lĩnh vực không gian, đều muốn thiết lập một khu định cư dành cho người trái đất trên sao Hỏa. Tuy nhiên, với nhiệt độ ở mức đóng băng, khí quyển mỏng manh, trọng lực yếu ớt và những vấn đề khác, sao Hỏa thật sự không phải là nơi lý tưởng nuôi dưỡng trẻ trưởng thành, nếu không muốn nói là cực kỳ khó khăn, như báo cáo trên chuyên san Futures.
Theo phân tích, nhiệt độ trung bình trên sao Hỏa vào khoảng -60oC, dù có thể dao động từ -125oC gần hai cực vào mùa đông, đến 20oC vào giữa trưa tại xích đạo. Khí quyển giàu CO2 trên bề mặt hành tinh này cũng loãng hơn trái đất khoảng 100 lần, nhưng điều an ủi là vẫn đủ dày để hỗ trợ sự tồn tại của thời tiết, mây, gió. Khí quyển mỏng cũng đồng nghĩa với việc đa số bức xạ mặt trời sẽ xuyên thẳng xuống bề mặt, đe dọa đến quá trình phát triển tế bào thần kinh và dẫn tới đủ loại ung thư.
Về khía cạnh sinh sản, tình trạng trên tác động nghiêm trọng đến mật độ tinh trùng, khiến việc thụ thai gặp trục trặc lớn. Sao Hỏa cũng có trọng lực yếu hơn trái đất, giảm xuống khoảng 1/3 so với mức trọng lực mà chúng ta quen thuộc. Sự thay đổi đột ngột này tác động đáng kể đến sức khỏe con người, giống như kinh nghiệm mà các nhà phi hành gia trên Trạm không gian quốc tế (ISS) đã và đang trải qua.
Các tác giả của báo đề xuất nên sử dụng công nghệ chỉnh sửa gien di truyền CRISPR để kiện toàn cơ thể con người trước khi đến sao Hỏa. Chẳng hạn, tạp chí Wired dẫn lời nhà di truyền học George Church của Đại học Harvard đã tìm ra khoảng 40 gien có thể cho phép con người chịu đựng cuộc hành trình đến sao Hỏa. Tuy nhiên, hậu quả của hành động này (dù chưa chắc thành công) là giới khoa học có thể tạo ra một loài người mới, có thể sống tốt trên hành tinh đỏ nhưng có thể chẳng bao giờ đặt chân được lên địa cầu.
Bình luận (0)