Theo trang Popular Mechanics, Tập đoàn Alrosa của Nga tìm thấy viên kim cương này bên trong mỏ Nyurb của vùng Siberia thuộc CH Yakutia, và được đặt tên Matryoshka.
Giống như các búp bê đặc trưng của xứ sở bạch dương, bản thân kim cương Matryoshka rỗng ruột, bên trong chứa một viên kim cương khác, tự do di chuyển. Trên thực tế tình trạng bị lỗi hoặc bị lẫn tạp chất vô cùng phổ biến trong quá trình khai thác kim cương, với đa số mắc nhược điểm gì đó. Tuy nhiên, chưa từng có trường hợp tìm được kim cương trong kim cương như Matryoshka.
Viên Matryoshka có kích thước không lớn, chỉ 0,62 carat (tức 0,124 gr), với kích thước 4,8 x 4,9 x 2,8 mm. Viên kim cương bên trong thậm chí còn nhỏ hơn, 0,02 carat (0,004 gr), kích thước 1,9 x 2,1 x 0,6 mm. Sau khi được phát hiện trong quá trình sàng lọc, nó được chuyển về trung tâm nghiên cứu của Tập đoàn Alrosa để giám định. Tại đây, các nhà khoa học dùng các công cụ quang học hiện đại nhất để phân tích Matryoshka.
“Chúng tôi phát hiện một điều hết sức thú vị liên quan đến cách thức không gian giữa hai viên kim cương được hình thành”, theo Hãng Bloomberg dẫn lời chuyên gia Oleg Kovalchuk của trung tâm trên. Đội ngũ nghiên cứu đưa ra một vài ý tưởng về sự ra đời bộ đôi kim cương đặc biệt này.
Theo đó, các nhà khoa học đưa ra hai trường hợp: một là viên kim cương nhỏ hơn hình thành trước và được bao bọc bởi viên kim cương lớn hơn; hoặc lớp tinh thể bên trong viên kim cương lớn bị phân hủy để tạo một cái hốc chứa viên kim cương nhỏ. Ước tính Matryoshka phải ít nhất 800 triệu năm tuổi. Hiện nó được chuyển đến Viện Ngọc học Mỹ, trụ sở tại bang California, để tiến hành giám định thêm.
Bên cạnh đó, cho đến nay viên kim cương độc nhất vô nhị này vẫn chưa được định giá, vì trong lịch sử khai thác của con người, chưa từng có viên thứ hai xuất hiện trên toàn cầu. “Đây quả là sự sáng tạo vô song của tự nhiên”, chuyên gia Kovalchuk kết luận.
Bình luận (0)