Việt Nam kêu gọi không gia tăng căng thẳng trên Biển Đông

03/08/2018 21:42 GMT+7

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 và các hội nghị liên quan tại Singapore, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với 4 đối tác (PMC+1) Nhật Bản, Trung Quốc, Nga và New Zealand đã diễn ra chiều 2.8.

Trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế, ASEAN và các đối tác hoan nghênh tiến triển tích cực trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời chia sẻ quan ngại về diễn biến tình hình Biển Đông, với các hoạt động quân sự hóa làm xói mòn lòng tin và gây nguy hại nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định ở khu vực.
Các bộ trưởng khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; nhấn mạnh mọi tranh chấp cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) 1982.
Các Bộ trưởng nhất trí cần thúc đẩy thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và nỗ lực sớm hoàn tất xây dựng một Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và ràng buộc.
Về kết quả đạt được với từng đối tác cụ thể, ASEAN và Nhật Bản đã nhất trí đẩy mạnh hơn nữa hợp tác thực chất trên các lĩnh vực chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, đảm bảo an ninh mạng, hợp tác biển, phối hợp thúc đẩy liên kết kinh tế, mở cửa và ủng hộ hệ thống thương mại công bằng, tự do và dựa trên luật lệ, nỗ lực sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP), ứng dụng công nghệ mới trong đổi mới sáng tạo, kết nối khu vực, phát triển bền vững tại các tiểu vùng, ứng phó biến đổi khí hậu, cứu trợ thiên tai, trao đổi văn hóa và giao lưu nhân dân.
Đánh giá Trung Quốc tiếp tục là một trong những đối tác quan trọng nhất, ASEAN và Trung Quốc đã khẳng định cam kết tăng cường hợp tác sâu rộng trên những lĩnh vực quan tâm và lợi ích chung; trông đợi lãnh đạo cấp cao sẽ thông qua Tầm nhìn định hướng quan hệ ASEAN - Trung Quốc đến 2030.
Về kinh tế, hai bên nỗ lực phấn đấu đạt kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1.000 tỉ USD và đầu tư đạt 150 tỉ USD vào năm 2020; nâng cấp Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA); phối hợp chặt chẽ trong đàm phán RCEP; ủng hộ hệ thống thương mại đa phương mở, dựa trên luật lệ; tăng cường hợp tác kết nối khu vực, trong đó có việc Trung Quốc triển khai Sáng kiến Vành đai - con đường...
ASEAN và Trung Quốc nhất trí không ngừng củng cố tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác ứng phó với các thách thức an ninh khu vực, trong đó có việc hai bên lần đầu tiên tổ chức diễn tập hàng hải ASEAN - Trung Quốc sẽ diễn ra vào cuối năm nay.
Với Nga, ASEAN và Nga nhất trí đẩy mạnh hợp tác toàn diện trên các trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội, bao gồm cả kết nối người dân. Các lĩnh vực ưu tiên bao gồm: hợp tác chống khủng bố và bạo lực cực đoan, an ninh mạng, hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật, gia tăng trao đổi thương mại, đầu tư, phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, đổi mới sáng tạo, nông nghiệp, năng lượng, giáo dục, kết nối, du lịch, giao lưu nhân dân...
Phát biểu tại các hội nghị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định coi trọng và sẽ tích cực cùng các nước ASEAN mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt, cùng có lợi giữa ASEAN và các đối tác. Phó thủ tướng chia sẻ quan ngại về diễn biến phức tạp trong tình hình Biển Đông, khẳng định lại các nguyên tắc đã được nhất trí của ASEAN, kêu gọi các bên kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, gia tăng căng thẳng và không có lợi cho các tiến trình đối thoại, hợp tác ở khu vực, trong đó có nỗ lực đàm phán Bộ quy tắc COC.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.