Virus Corona giết người như thế nào?

21/02/2020 15:26 GMT+7

Tình trạng số người chết vì dịch bệnh COVID-19 do virus Corona mới gây ra tiếp tục tăng khiến nhiều người đặt câu hỏi: virus này gây bệnh cho con người như thế nào và tại sao nó có thể làm nhiều người thiệt mạng?

Sáng nay 21.2, Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc xác nhận tính đến cuối ngày 20.2, Trung Quốc đại lục có 2.236 ca tử vong vì virus Corona mới (nCoV), tăng thêm 118 ca so với ngày 19.2, và 75.465 ca nhiễm, tăng 889 so với ngày trước đó, theo Reuters. Trên phạm vi toàn cầu, hiện có 2.247 ca tử vong và 76.723 ca nhiễm theo website của Bộ Y tế.
Cho đến nay không ai có thể biết chính xác bằng cách nào hay tại sao nCoV gây ra cái chết cho khoảng 2% số ca nhiễm.

[VIDEO] Hơn 2.240 người chết vì Covid-19, tình hình 'nghiêm trọng' ở Hàn Quốc

Dựa trên những gì chúng ta biết về các bệnh liên quan, trong đó có Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), các chuyên gia cho rằng sự khác biệt giữa ca nhiễm nCoV gây chết người và ca nhiễm giống cúm nặng có thể xuất phát tự sự tương tác giữa virus này với hệ miễn dịch của bệnh nhân, theo tờ The Washington Post.
Tuy nCoV tấn công và tiêu diệt các tế bào trong tất cả trường hợp, bệnh có trở nặng hay không sẽ tùy thuộc vào cách hệ miễn dịch ứng phó và có thể bị ảnh hưởng do tuổi tác, giới tính, di truyền và các điều kiện điều trị.
Tổn hại ban đầu do nCoV gây ra có thể khiến hệ miễn dịch có phản ứng thái quá một cách mạnh mẽ nhưng phản tác dụng. “Những gì người bệnh gặp phải là tổn hại ban đầu và hàng loạt tế bào bị nhiễm nhưng thiệt hại này quá rộng khắp, đến mức hệ miễn dịch bị choáng ngợp. Tình trạng này càng gây ra phản ứng miễn dịch nhiều hơn, nhiều tế bào miễn dịch hơn và tổn hại nhiều hơn”, chuyên gia virus Matthew Frieman tại Trường Y khoa thuộc Đại học Maryland (Mỹ) nói rõ.

[VIDEO] Virus corona mới dễ lây hơn virus bệnh SARS gấp 20 lần

Khi nhiễm, nCoV có thể bắt đầu xâm nhập nhiều tế bào ở đường thở. Virus này dễ gây nhiễm ở đường hô hấp trên, trong khi SARS xâm nhập sâu vào phổi. Khi nCoV mạnh lên, những tế bào chết bị loại bỏ và đọng lại trong đường thở, gây ra tình trạng khó thở.
“Nếu virus tái tạo rất nhanh, trước khi cơ thể có cơ hội cố gắng và ngăn chặn virus bằng ứng phó miễn dịch, hoặc việc ứng phó miễn dịch quá chậm, hệ miễn dịch không thể kiểm soát virus và bắt đầu nổi quạu”, chuyên gia virus Anthony Fehr thuộc Đại học Kansas (Mỹ), cho hay. Đây là tình trạng các nhà khoa học gọi là “bão cytokine”, khiến hệ thống miễn dịch bắt đầu điều các tế bào chiến đấu trong phổi. Khi đó, không chỉ virus Corona mới mà cả hệ miễn dịch cũng gây tổn hại cho người bệnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.