Vụ ám sát Đại sứ Karlov và mối quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ

20/12/2016 16:04 GMT+7

Quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều biến động lớn trong nhiệm kỳ của Đại sứ Andrei Karlov, người bị ám sát ngày 19.12. Tuy nhiên giới chuyên gia nhận định sẽ không có khủng hoảng xảy ra giữa 2 nước trong thời gian tới.

Đảm nhận nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2013, Đại sứ Nga Andrei Karlov đã trải qua giai đoạn mà mối quan hệ 2 nước leo thang căng thẳng sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga vào tháng 11.2015, cho đến khi mối quan hệ dần nồng ấm trở lại.
Ông Andrei Karlov (62 tuổi) bắt đầu sự nghiệp ngoại giao từ những năm 20 tuổi sau khi tốt nghiệp Viện quan hệ quốc tế Moscow và Viện hàn lâm ngoại giao Nga, theo The New York Times.
Ông Karlov có quãng thời gian nhiều năm làm việc tại Đại sứ quán Liên Xô, sau này là Đại sứ quán Nga tại Triều Tiên. Nhà ngoại giao này nói rành cả tiếng Anh và tiếng Hàn. Đến năm 2001, ông trở thành Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nga tại Triều Tiên.
Nhận nhiệm vụ làm Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ từ tháng 7.2013, ông Karlov được kỳ vọng giúp hạ nhiệt tình hình căng thẳng liên quan đến vai trò của Nga tại cuộc nội chiến Syria, nước láng giềng của Thổ Nhĩ Kỳ.

tin liên quan

Đại sứ Nga bị một cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bắn chết
Một cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã hô to "đừng quên Aleppo, đừng quên Syria" sau đó bắn chết Đại sứ Nga tại nước này ngay trước sự chứng kiến của nhiều người tại một buổi triển lãm ảnh ngày 19.12 ở Ankara.
Nhiệm kỳ của ông Karlov cũng trùng hợp với giai đoạn bất ổn của mối quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ. Sự nồng ấm giữa 2 nước bị ảnh hưởng từ cuối tháng 9.2015, khi Nga quyết định can thiệp vào cuộc chiến ở Syria. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có quan điểm khác nhau về cuộc xung đột ở Syria. Theo The Telegraph, Nga ủng hộ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ phe đối lập Syria và đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với chính quyền Assad từ tháng 3.2012.
Tháng 11.2015, tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 của Nga tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria khiến mối quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ leo thang căng thẳng. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nói hành động này chẳng khác nào chứng tỏ Ankara ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), trong khi Tổng thống Vladimir Putin gọi đây là "cú đâm từ sau lưng Nga".
Nga sau đó đưa ra một số lệnh trừng phạt kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Karlov vào tháng 2.2016 đổ lỗi cho Thổ Nhĩ Kỳ vì sự bất hoà này, theo The Guardian. Đại sứ Nga bác bỏ việc chiếc Su-24 xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ và nói rằng không có bằng chứng cho thấy chiến đấu cơ của Nga ném bom vào dân thường ở Syria.
Tổng thống Putin họp khẩn cùng ngoại trưởng, giám đốc Cơ quan an ninh liên bang và giám đốc Cơ quan tình báo nước ngoài của Nga sau khi Đại sứ Andrei Karlov bị ám sát Reuters
Ông Karlov từng bi quan về viễn cảnh bình thường hóa quan hệ giữa 2 nước khi trả lời phỏng vấn TASS rằng giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ hành xử với những phát ngôn ngày càng hiếu chiến nhắm vào Nga, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ thì coi Nga như kẻ thù.
Tuy vậy, ông Karlov nói rằng không cảm thấy sự thù địch nào từ người dân. "Thực tế là chúng tôi có nhiều bạn tốt và đáng tin ở đây. Tôi chắc rằng không công cụ tuyên truyền nào có thể gây hại cho tình hữu nghị này", Đại sứ Nga quả quyết.
Quan hệ ngoại giao 2 nước cũng trở nên nồng ấm hơn sau lời xin lỗi của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hồi tháng 6.2016 về vụ bắn rơi máy bay Su-24.
Sau đó Nga là nước đầu tiên chia buồn với Thổ Nhĩ Kỳ về cái chết của những nạn nhân trong vụ đảo chính ngày 15.7 ở Thổ Nhĩ Kỳ. Vào tháng 8.2016, ông Putin và ông Erdogan đã gặp mặt và điện đàm với nhau.

tin liên quan

Vu hồi kế của bộ ba Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ
Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã có thêm một phương cách mới đáp trả việc Mỹ và EU tiếp tục gia tăng áp lực và leo thang đối đầu bằng việc thiết lập khuôn khổ diễn đàn đàm phán riêng về giải quyết vấn đề Syria. 
Sẽ không có khủng hoảng?
Sau khi Đại sứ Karlov bị sát hại, Tổng thống Putin tuyên bố đây là hành động khiêu khích nhằm gây hại cho tiến trình bình thường hoá quan hệ ngoại giao Nga - Thổ Nhĩ Kỳ và tiến trình hoà bình Syria.
Tổng thống Erdogan cũng nhấn mạnh vụ ám sát là nhằm phá huỷ mối quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên chính quyền 2 nước sẽ không suy sụp vì hành động đó.
The Guardian dẫn lời cựu quan chức ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, chuyên gia Sinan Ulgen tại quỹ Carnegie vì hoà bình quốc tế, cho rằng vụ ám sát Đại sứ Karlov sẽ không gây khủng hoảng như vụ bắn rơi máy bay Su-24, dẫn chứng là cách phát biểu của lãnh đạo 2 nước về vụ tấn công.
The New York Times cũng nhận định mối quan hệ 2 nước sẽ không bị ảnh hưởng sau sự kiện này, thậm chí còn trở nên khăng khít hơn, hai nước sẽ cùng hướng về kẻ thù chung thay vì đổ lỗi cho nhau.
Chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Viện chiến lược Hội đồng Atlantic, ông Aaron Stein nhận định Thổ Nhĩ Kỳ cần Nga để thúc đẩy các lợi ích chiến tranh. Nga cũng cần Thổ Nhĩ Kỳ để chiến thắng tại Syria, bên nào cũng có những động cơ để giải quyết vụ việc một cách êm thấm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.